Dịch vụ bán và cho thuê hàng hiệu cũ hưởng lợi nhờ COVID-19
Giới startup và những tập đoàn công nghệ đều cảm nhận rõ tiềm năng của thị trường hàng cũ. Các giao dịch trên Idle Fish của Alibaba, một chợ trực tuyến bán đồ đã qua sử dụng cho mọi thứ - từ quần áo đến đồ điện tử - đạt 100 tỉ nhân dân tệ (14 tỉ USD) vào năm ngoái.
Và một số nền tảng tập trung vào thời trang như Plum và Secoo cũng đã xuất hiện trong những năm gần đây, ngoài các nhà cung cấp cá nhân hiện đang bán đồ cũ thông qua các ứng dụng phát trực tiếp như Douyi.
Dịch vụ xác định hàng hiệu thật
Nhưng hàng thời trang xa xỉ cũ vẫn là một thị trường tương đối mới. Mặc dù một báo cáo năm 2019 của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) dự đoán hàng hiệu cũ sẽ chiếm 9% tổng doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu vào năm 2021, hàng hiệu cũ chỉ chiếm 2% trong các giao dịch hàng hóa xa xỉ của đất nước tại Trung Quốc, theo một báo cáo ngành mà các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc trích dẫn.
Báo cáo của BCG lưu ý rằng thị trường xa xỉ của Trung Quốc có thể đang "nổi lên dần", nhưng nó chưa có cấu trúc tốt và những đối thủ lớn chưa xuất hiện.
Một trong những người hy vọng thay đổi thực trạng đó là Austin Zhu, người đồng sáng lập nền tảng ký gửi Zhi Er (tạm dịch là "Chỉ có hai") vào năm 2016. Tự xưng là "RealReal của Trung Quốc, công ty chụp ảnh các mặt hàng xa xỉ tại kho hàng ở Thượng Hải trước khi niêm yết chúng trên nền tảng và hưởng hoa hồng 15% cho mỗi giao dịch.
"Các thương hiệu Italy phổ biến nhất trên nền tảng của chúng tôi. Nhưng các thương hiệu của Mỹ như Coach và Michael Kors cũng rất được ưa chuộng vì giá thấp hơn nhiều so với các thương hiệu châu Âu", Zhu nói.
Xác minh rằng sản phẩm là hàng thật là một trong những dịch vụ quan trọng nhất của Zhi Er - điều không ngạc nhiên ở một quốc gia có lượng giao dịch hàng giả rất lớn. Vào năm 2016, dịch vụ xác thực hàng xa xỉ Yishepai đã phát hiện 40% các mặt hàng mà họ thẩm định ở Trung Quốc là hàng giả, theo trang tin tức QQ.
"Có thể tin tưởng vào hàng hóa đắt tiền và chất lượng cao là bước đầu tiên khiến người Trung Quốc chấp nhận ý tưởng mua đồ cũ. Sau này, có thể chúng tôi có các danh mục quần áo rẻ hơn, giống như ThredUp ở Mỹ cũng có Zara và H&M, nhưng đó là bước thứ hai ở Trung Quốc", Zhu bình luận.
Trong năm đầu tiên, Zhi Er cũng cố gắng tập trung vào các thương hiệu thời trang nhanh đó, nhưng họ thay đổi định hướng do nhu cầu về hàng hóa giá rẻ chưa đủ lớn để chiến lược trở nên khả thi.
Hiện tại, quần áo chỉ chiếm 15% doanh số bán hàng trên Zhi Er, còn túi xách và phụ kiện chiếm phần lớn các giao dịch mua, Zhu nói. BCG Trong khi đó, BCG phát hiện ra rằng quần áo chỉ chiếm 9% trong các giao dịch mua đồ cũ xa xỉ ở Trung Quốc vào năm 2018, so với 20% ở Pháp và Đức và 17% ở Mỹ.
Báo cáo cũng nói người tiêu dùng xa xỉ Trung Quốc quan tâm đến việc bán hàng xa xỉ hơn gấp 5 lần so với việc họ mua chúng.
Động lực để thay đổi
Nếu như các nền tảng bán hàng cũ ở phương Tây phát triển nhờ người tiêu dùng thế hệ Z và thế hệ trẻ, tầng lớp "balinghou" và "jiulinghou" sành điện thoại di động của Trung Quốc (thế hệ lần lượt sinh sau những năm 80 và 90) dường như đang dẫn dắt thị trường hàng cũ xa xỉ.
Liu Mengyuan, người sáng lập và Giám đốc điều hành của dịch vụ thuê bao YCloset có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định lĩnh vực cho thuê quần áo cũng đang nhắm đến giới tiêu dùng trẻ.
Ra đời vào năm 2015 và hiện đã có hơn 15 triệu người dùng, YCloset, cho phép người đăng ký thuê tối đa 5 mặt hàng quần áo hoặc phụ kiện mỗi tháng. Sau khi dùng thử, người dùng - những người trả phí đăng ký cố định là 499 nhân dân tệ (72 USD) một tháng - có cơ hội mua các mặt hàng ngay lập tức hoặc trả lại.
Ngoài việc giúp giảm tiêu thụ các mặt hàng mới, Liu nói rằng YCloset sử dụng túi vải, không phải túi nhựa, để gửi và nhận quần áo - và 80% lượng nước được sử dụng để giặt quần áo cũ đều được tái xử lí. Nhưng các mối quan tâm về môi trường không phải là những ưu tiên hàng đầu của khách hàng.
"Tôi nghĩ tới 3 lí do khiến khách hàng của chúng tôi chọn thuê quần áo: tăng sự đa dạng khi lựa chọn quần áo; tránh sự phiền toái của việc nhồi nhét quá nhiều quần áo khi phải di chuyển hay du lịch; và tủ đồ của họ đỡ chật", Liu nói.
Ở vài thị trường phương Tây, nhiều bằng chứng cho thấy khách hàng thuê hoặc dùng hàng hóa cũ, ít nhất một phần, bởi vấn đề môi trường.
Các nghiên cứu được thực hiện theo sự ủy thác của nền tảng thời trang cũ, Vestiaire Collective, cho thấy hơn 70% người sử dụng dịch vụ "cố gắng mua sắm một cách có đạo đức", với 57% trong số đó nói rằng tác động môi trường là mối quan tâm lớn nhất của họ.
Mặc dù Zhu không có dữ liệu so sánh cho Zhi Er, nhưng anh tỏ ra thẳng thắn về động lực chính của khách hàng: khả năng chi trả. Các mặt hàng thường bán trên nền tảng với giá rẻ hơn từ 10% đến 30% so với giá bán lẻ ban đầu của chúng.
"Mọi người lo ngại về môi trường, nhưng tôi không nghĩ đó là lí do chính khiến mọi người sử dụng các ứng dụng bán hàng qua sử dụng hoặc tìm đến thị trường đồ cũ", Zhu lập luận.
COVID-19 thúc đẩy sự phát triển của ngành thời trang xa xỉ cũ
Zhu, người tiết lộ số lượng giao dịch trên nền tảng của anh đang tăng 25% đến 30% mỗi tháng, cũng tin rằng có lẽ COVID-19 thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường đồ cũ.
Ngoài việc giảm khả năng mua sắm các mặt hàng mới của người dân, đại dịch cũng đang phá vỡ chuỗi cung ứng, trì hoãn việc vận chuyển và hạn chế đi lại – một điều quan trọng khi chỉ 27% chi tiêu xa xỉ của Trung Quốc diễn ra ở đại lục, theo công ty tư vấn Bain. Nngười mua hàng thường đến các cửa hàng ở Châu Âu, Mỹ hoặc Hong Kong, nơi giá rẻ hơn và thuế ưu đãi hơn).
"COVID-19 có nghĩa là mọi người không dễ dàng mua thứ họ muốn. Mua đồ có thương hiệu ở nước ngoài ngày càng khó, nên mọi người đang cố gắng mua chúng ở Trung Quốc đại lục. Và thị trường đồ cũ là một trong những lựa chọn tốt nhất cho những người đó", Zhu giải thích.
Động lực khiến khách hàng mua đồ cũ là yếu tố phi vật chất. Nhưng Xie Xinyan, người có ảnh hưởng lớn trong mảng thời trang với hơn 1 triệu người theo dõi trên nền tảng Weibo, tỏ ra lạc quan hơn về động lực của những người mua sắm đồ cũ - và của chính cô.
"Một trong những lý do chính khiến mọi người mặc đồ cũ là bởi vì nó có thể được tái chế và thân thiện với môi trường", cô nói. "Khi tôi còn trẻ hơn, tôi chưa bao giờ nghĩ về tuổi thọ của quần áo, mà chỉ quan tâm về kiểu dáng thôi. Nhưng giờ tôi nghĩ nhiều hơn xem tôi có thể mặc món đồ ấy bao lâu trước khi mua nó", Xie nói.