|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các ông chủ tại Hong Kong sống khỏe trong mùa dịch nhờ nhờ biến khách sạn thành phòng trọ

09:08 | 09/11/2021
Chia sẻ
Theo số liệu của chính phủ Hong Kong, một phần ba số lượng khách sạn nước này đủ khả năng chuyển đổi sang hình thức mới này.

Các dự án Co-living đang mang lại công suất thuê và lợi nhuận cao hơn cho nhiều chủ sở hữu khách sạn, qua đó củng cố lợi ích của việc chuyển đổi hình thức kinh doanh sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, theo South China Morning Post.

Theo ước tính của JLL, một công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu có trụ sở tại Anh, số lượng giao dịch bất động sản có giá trị khoảng 300 triệu USD liên quan đến lĩnh vực khách sạn trong năm nay có thể giảm xuống. 

Thay vào đó, chủ đầu tư quan tâm tới việc chuyển đồi hình thức vận hành từ khách sạn sang Co-living (một mô hình phòng trọ sinh hoạt chung). Thậm chí, con số có thể lên tới 500 triệu USD trong năm tới.

Corey Hamabata, Phó chủ tịch cấp cao của JLL Hotels and Hospitality Group cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực co-living sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới khi nhiều nhà phát triển tìm được các nguồn vốn hỗ trợ từ những đơn vị đầu tư khác, những người đang tìm đến hướng đi mới".

Tại Hong Kong, một trong những thị trường bất động sản hàng đầu châu Á, một số đơn vị chuyên điều hành lĩnh vực khách sạn và quản lý hình thức co-living như Weave Living, công ty được hậu thuẫn bởi tập đoàn nổi tiếng Warburg Pincus của Mỹ hay Dash Living đã mua lại một số khách sạn với giá hàng chục triệu USD trong mùa dịch, sau đó biến đổi hình thức khai thác, và đang chuyển hướng hàng loạt sang mô hình co-living. Có thể nói, xu hướng co-living đang lên ngôi tại đây.

Ngành khách sạn Hong Kong đã bị mây đen bao phủ trong hai năm qua, do chịu ảnh hưởng từ tình hình chính trị bất ổn năm 2019 và đại dịch COVID-19 năm 2020, 2021. Việc đóng cửa biên giới kéo dài và các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt đã khiến khách du lịch không thể rời thành phố, làm giảm triển vọng phục hồi của cả ngành khách sạn và du lịch.

Mặc dù đã có sự cải thiện khi tỷ lệ phòng được thuê đạt mức 70% trong tháng 8, cao hơn nhiều so với mức 30% vào tháng 2, nhưng khoản lợi nhuận vẫn chưa được cải thiện.

Chủ đầu tư tại Hong Kong sống khỏe trong mùa dịch nhờ kinh doanh khách sạn theo hình thức mới - Ảnh 1.

Nhiều khách sạn tại Hong Kong được khai thác theo hướng mới. (Ảnh: SCMP).

Julien Laloye, Phó chủ tịch của JLL Hotels & Hospitality Group tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Việc chuyển đổi khách sạn thành co-living mang lại cơ hội ngay tức khắc để gia tăng khả năng sinh lời cho các chủ đầu tư. Hình thức khai thác này không cần phụ thuộc vào thời gian các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng hay thời điểm ngành du lịch mở cửa trở lại".

Theo công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản CBRE, tỷ lệ phòng được thuê của các cơ sở kinh doanh căn hộ chung cư đạt trung bình khoảng 80%. Công suất trong thời gian cao điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát đạt từ 90% đến 95%, trong khi mức thấp nhất từ 60% đến 70%

Đối với các nhà điều hành co-living, tỷ suất lợi nhuận có thể rơi vào ngưỡng 65% - 75% do mô hình lưu trú dài ngày, chi phí chung nhỏ hơn và các dịch vụ bị hạn chế, JLL ước tính. Trong thời gian bình thường, một khách sạn ba sao điển hình có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận khoản 55% - 65%.

Theo số liệu của chính phủ Hong Kong, thị trường này có 306 khách sạn, cung cấp khoảng 84.900 phòng, tính đến tháng 5/2020. Các chuyên gia CBRE cho biết khoảng một phần ba trong số đó đủ khả năng biến đổi thành các hình thức co-living.

Reeves Yan, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận thị trường vốn của CBRE Hong Kong cho biết: "Việc đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư vào việc biên giới được mở cửa trở lại, tỷ lệ phòng khách sạn được thuê trong 12 tháng tới có thể tăng trở lại mức 85% - 90%".

Quốc Anh