|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người vắng, lá rơi ngập lối ở kinh đô hàng hiệu châu Á vì COVID-19

11:05 | 09/06/2020
Chia sẻ
Những biện pháp giãn cách xã hội ở Singapore khiến số lượng người tới phố mang biệt danh "thiên đường hàng hiệu" ở quốc đảo giảm mạnh, tạo nên cảnh tượng đìu hiu nhất trong gần 10 năm.

Khung cảnh phố Orchard, một trong những khu mua sắm hàng hiệu nổi tiếng nhất châu Á, phản ánh mức độ khủng hoảng kinh tế đối với Singapore. Tuần trước, doanh số bán lẻ hàng tháng ở Singapore đã tụt xuống mức thấp nhất gần 9 năm.

Là một trong những địa điểm mua sắm hàng đầu châu Á với hàng loạt trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ sản phẩm xa xỉ, Orchard là chỉ báo đáng tin cậy cho mức độ sôi động của nền kinh tế Singapore. Song dường như Orchard đang chìm trong cảnh đìu hiu trong nhiều tuần qua.

Người vắng, lá rơi ngập lối ở kinh đô hàng hiệu châu Á  - Ảnh 1.

Một chủ cửa hàng pizza ở phố Orchard ước tính số lượng khách đến phố đã giảm ít nhất một nửa so với thời kì trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Dòng người đến Orchard để mua sắm biến mất, và lá rụng phủ kín sàn cửa hàng Apple ở đây. Các thương hiệu xa xỉ gần cửa hàng Apple như Victoria's Secret, Gucci cũng treo biển báo dừng hoạt động.

Hiện tại chính phủ Singapore đang tăng cường các biện pháp phong tỏa để kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Giới chức rất quan tâm tới cộng đồng người lao động nhập cư, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất ở thành phố.

"Du khách không đến. Số lượng người đến Orchard giảm tối thiểu một nửa. Vì nhiều trung tâm thương mại ngừng hoạt động, chúng tôi chỉ hi vọng vào khách nội địa", chủ một cửa hàng bánh pizza phát biểu.

Cuối tuần trước, Singapore thông báo doanh số bán lẻ tháng 4 giảm 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái - chỉ còn 2,1 tỉ SGD (hơn 1,5 tỷ USD). Dữ liệu của Cục Thống kê Singapore cho thấy lần gần nhất doanh thu bán lẻ theo tháng ở Singapore thấp như vậy là tháng 2/2011.

Từ tháng 2/2011 tới trước tháng 4 vừa rồi, doanh số bán lẻ hàng tháng ở Singapore luôn khoảng 3 tỉ SGD. Hồi cuối năm ngoái và tháng 1, doanh số bán lẻ còn đạt 4 tỉ SGD.

Hoàn cảnh tương tự cũng xảy ra ở các quốc gia lân cận. Ở Indonesia, Hiệp hội Trung tâm thương mại ước tính ngành bán lẻ mất tối thiểu 9.800 tỉ rupiah (682 triệu USD) trong 2 tháng qua. Doanh thu của tập đoàn Astra International – nhà bán lẻ chiếm khoảng một nửa doanh số xe hơi tại Indonesia, đã giảm 90% trong tháng 4 so với cùng kì năm ngoái.

Chính phủ Indonesia đang nới lỏng lệnh phong tỏa và các trung tâm thương mại tại thủ đô Indonesia có thể hoạt động trở lại từ 15/6. 

Dù vậy, mức chi tiêu của người tiêu dùng không thể phục hồi nhanh chóng vì các trung tâm mua sắm chỉ được phép đón lượng khách bằng một nửa công suất để bảo đảm giãn cách xã hội.  

Ở Thái Lan, các lệnh giới hạn lượng người vào các cơ sở kinh doanh vẫn là một gánh nặng với doanh nghiệp dù đã được mở cửa trở lại.

Một báo cáo của Economic Intelligence Center (EIC) ước tính doanh số bán lẻ của Thái Lan có thể giảm 14%, khoảng 500 tỉ baht (16 tỉ USD) từ mức 3.500 tỉ baht hồi năm ngoái do lượng khách du lịch giảm và chi tiêu nội địa ảm đạm mùa đại dịch. 

EIC còn ước tính lượng khách quốc tế đến Thái Lan giảm 67% xuống mức13 triệu lượt năm nay, khiến doanh thu bán lẻ liên quan đến du lịch có thể giảm khoảng 270 tỉ baht.

Cửu Dương

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.