Thị trường xa xỉ phẩm thế giới bùng nổ sau đại dịch
Những người giàu không bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Các “ông lớn” trong ngành xa xỉ phẩm vừa công bố báo cáo cho thấy giới thượng lưu trên thế giới đang vung tiền vào các mặt hàng xa xỉ, với doanh số bán hàng vượt qua cả mức trước đại dịch.
Trong đó, LVMH – “cha đẻ” của các thương hiệu như Louis Vuitton, Moet, Fendi, Kenzo và nhiều thương hiệu khác - đã ghi nhận doanh thu trong nửa đầu năm 2021 tăng 11% so với mức trước đại dịch, lên 28,7 tỷ euro (34,1 tỷ USD). Lợi nhuận của LVMH là 5,3 tỷ euro, tăng 64% so với hồi năm 2019.
Đối thủ của LVMH là Kering – tập đoàn sở hữu các thương hiệu Gucci và Balenciaga – đã ghi nhận doanh thu cao hơn mức trước đại dịch lên đến 8,4%, tương đương 8 tỷ euro.
Trong khi đó, Hermes cũng báo cáo doanh số bán hàng tăng 29%, lên 4 tỷ USD. Cả hai “đại gia” đều ghi nhận mức lợi nhuận hơn 1 tỷ euro, cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng trước đó.
Doanh thu của tập đoàn Thụy Sỹ Richemont – sở hữu các thương hiệu Cartier, Piaget và Montblanc - cũng đã vượt qua mức trước đại dịch trong quý II/2021, với tốc độ tăng trưởng 18%, trong khi thương hiệu Prada của Italy cũng “bỏ xa” mức được ghi nhận hồi năm 2019 đến 8%.
Chuyên gia Arnaud Cadart thuộc công ty quản lý tài sản Flornoy cho biết "tầng lớp trung lưu, thượng lưu, những người giàu và cực giàu dường như chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng". Họ không thể đi du lịch hoặc ra ngoài ăn uống, thay vào đó họ dồn tiền để mua hàng xa xỉ.
Chuyên gia này nói thêm rằng người Trung Quốc, chiếm khoảng 35-40% số khách hàng xa xỉ, vẫn là đối tượng rất quan trọng.
Tuy nhiên có một sự thay đổi đó là các giao dịch mua bán của họ giờ đây được thực hiện tại nhà, thay vì trong các chuyến du lịch đến châu Âu như trước.
Mỹ vẫn là “người chơi” chính
Tuy nhiên Erwan Rambourg, chuyên gia phân tích đồng thời là tác giả cuốn sách: “Tương lai nào dành cho các doanh nghiệp xa xỉ phẩm”, lại cho rằng: "Sự phục hồi đáng ngạc nhiên không được ghi nhận ở Trung Quốc mà là ở Mỹ".
So với những lần phục hồi sau khủng hoảng trước đó, ví dụ như sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, "cảm giác tội lỗi, những ý nghĩ rằng đây không phải thời điểm thích hợp để mua hàng xa xỉ, đã biến mất", chuyên gia Rambourg nói với hãng tin AFP.
Ông giải thích: “Có một thế hệ trẻ ở Mỹ đang cảm thấy rất thoải mái với việc mua sắm xa xỉ phẩm”, đặc biệt là những người Mỹ gốc Phi, những người nói tiếng Tây Ban Nha và châu Á.
Giám đốc điều hành Axel Dumas của Hermes trong một cuộc họp báo qua điện thoại đã nói rằng: "Chúng tôi đã chứng kiến sự phục hồi rất mạnh mẽ ở thị trường Mỹ, các khách hàng trung thành và những nhóm khách hàng mới đã đến với chúng tôi nhờ vào hoạt động tiếp thị kỹ thuật số của công ty".
Doanh số bán hàng của Hermes tại Mỹ đã tăng 25% từ mức trước đại dịch.
Nhà phân tích Thomas Chauvet thuộc tập đoàn tài chính Citigroup lưu ý rằng thực tế là thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ đã khiến nhiều người Mỹ giàu có hơn, ít nhất là trên giấy tờ. Điều này đã tạo ra một động lực tâm lý quan trọng cho hoạt động tiêu dùng.
Trong khi đó tại châu Âu, mặc dù thị trường du lịch quốc tế đã im ắng trong vòng hơn một năm trở lại đây, hoạt động của ngành xa xỉ phẩm vẫn khởi sắc nhờ vào các động lực tiêu dùng địa phương.
Chuyên gia Arnaud Cadart thuộc công ty quản lý tài sản Flornoy nhận định người châu Âu từng "bỏ rơi" thị trường này nhưng năm nay xu hướng đó đã đảo ngược.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Erwan Rambourg nói: "Các thương hiệu dường như đã phát hiện ra rằng việc thu hút các khách hàng địa phương thông qua nền tảng mạng xã hội đã mang lại nhiều hy vọng”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Thomas Chauvet cũng cảnh báo rằng xu hướng phục hồi do nhu cầu từ địa phương mang lại là không đủ để bù đắp cho những mất mát của việc thiếu vắng khách du lịch".
Dù vậy, chuyên gia Rambourg dự báo thị trường xa xỉ phẩm sẽ vẫn do người mua trong nước thống trị trong ít nhất một năm nữa.