|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Infographic] Giải mã công thức thành công của ‘siêu kì lân’ Gojek

10:15 | 17/08/2020
Chia sẻ
Sự linh hoạt và chiến lược đa dạng hoá dịch vụ đã giúp Gojek trở thành startup đầu tiên của Indonesia đạt định giá 10 tỉ USD.

Khởi nghiệp ở Indonesia chưa bao giờ là việc dễ dàng. Các nhà sáng lập cần cực kì uyển chuyển để có thể chuyển hướng kinh doanh ngay khi nhận thấy ý tưởng của họ sẽ không hiệu quả. Sự linh hoạt chính là một trong những lí do tạo ra thành công của "kì lân" Gojek.

Gojek bắt đầu hoạt động vào năm 2010 như một tổng đài xe ôm (trong tiếng Indonesia là ojek) với chỉ 20 tài xế. Tình hình kinh doanh của Gojek không khởi sắc cho tới tận năm 2014 khi Uber và Grab (lúc đó gọi là GrabTaxi) giới thiệu dịch vụ gọi xe theo yêu cầu cho người dùng ở Indonesia.

Nhìn thấy tiềm năng lớn ở Gojek, nhiều nhà đầu đã gõ cửa người đồng sáng lập Nadiem Makarim và ngỏ lời đầu tư. Cuối năm 2014, Gojek nhận 2 triệu USD đầu tư trong vòng gọi vốn Series A. Đây là bàn đạp để Gojek có thể ra mắt ứng dụng vào năm 2015.

Trong giai đoạn đầu tiên, Gojek chỉ có 4 dịch vụ: dịch vụ gọi xe GoRide, dịch vụ giao đồ GoSend, dịch vụ giao đồ tươi sống GoMart và dịch vụ giao đồ ăn GoFood. Khác với Uber và GrabTaxi với mô hình kinh doanh chủ yếu xoay quanh mảng vận tải, ngay từ đầu, Gojek xử lý nhiều dịch vụ chỉ trong một ứng dụng. Chiến lược của Gojek đối mặt với sự hoài nghi của nhiều người.

Dù vậy, Gojek tiếp tục bổ sung thêm nhiều dịch vụ vào ứng dụng của họ. Năm 2016, Gojek ra mắt ví điện tử GoPay để tận dụng thị trường dịch vụ tài chính rất phân mảnh ở Indonesia. Hiện tại, Gojek có 18 dịch vụ con trong ứng dụng và Gojek, cùng Grab, đang trên cuộc đua trở thành siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á.

[Infographic] Giải mã công thức thành công của ‘siêu kì lân’ Gojek - Ảnh 1.

(Ảnh: Kr-ASIA, Việt hoá: Thái Sơn)

Tiến vào lĩnh vực giao đồ ăn và tài chính

Mặc dù dịch vụ gọi xe của Gojek phát triển mạnh và vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, biên lợi nhuận từ mảng lại cực kì mỏng và thậm chí không tồn tại.

Các "ông lớn" gọi xe như Lyft hay Uber vẫn lỗ nặng hàng quý. Vì thế, Gojek nhận ra rất khó để tồn tại nếu chỉ phụ thuộc vào mảng gọi xe và mục tiêu có lãi sẽ cực kì xa vời.

Gojek chọn hướng phát triển đa dịch vụ một cách mạnh mẽ. Uber mất tới 4 năm để bổ sung thêm một mảng mới, trong khi đó, phải tới năm 2018, Grab mới bắt đầu liên tục bổ sung thêm các mảng kinh doanh tiếp theo. Lúc này, chiến lược đa dạng hoá của Go-Jek bắt đầu mang về "trái ngọt".

Ở thời điểm hiện tại, gọi xe không còn là mảng mang về lợi nhuận chính của Gojek. Theo thông cáo báo chí được công bố hồi tháng 2/2019, Gojek có 9 tỉ USD tổng giá trị giao dịch thực hiện. Trong đó, mảng GoPay mang về 6,3 tỉ USD, còn 2 tỉ USD đến từ Go-Food.

Kevin Aluwi, người đồng CEO Gojek, nói Gojek sẽ tiếp tục tập trung vào 2 mảng dịch vụ nói trên, nhất là khi mảng gọi xe chịu tác động tiêu cực từ COVID-19.

[Infographic] Giải mã công thức thành công của ‘siêu kì lân’ Gojek - Ảnh 2.

(Ảnh: Kr-ASIA, Việt hoá: Thái Sơn)

Theo ông Aluwi, chỉ trong 4 năm, GoFood đã cho thấy những bước tăng trưởng vững chắc. Người dùng GoFood có thể lựa chọn 15 triệu thực đơn từ khoảng 500.000 nhà bán hàng. Trong khi đó, số lượng đơn hàng lúc này gấp 30 lần con số của năm 2015.

Gojek kì vọng số lượng đơn hàng GoFood sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020. Theo một khảo sát của Nielsen vào năm 2019, GoFood là dịch vụ giao đồ ăn được yêu thích nhất Indonesia.

Về GoPay, đây là ứng dụng thanh toán phổ biến nhất ở Indonesia, bất chấp những cạnh tranh lớn từ các đối thủ như Ovo và Dana.

Trong năm 2019, GoPay hợp tác với quỹ tương hỗ Bibit và cho phép người dùng thực hiện đầu tư thông qua GoPay. Tháng 5 năm nay, Gojek thậm chí triển khai dịch vụ đầu tư vàng mang tên GoInvestasi thông qua hợp tác với ứng dụng đầu tư Pluang.

Bên cạnh đó, Gojek đầu tư vào công ty công nghệ bảo hiểm PasarPolis. Sau đó, hai công ty này thực hiện hợp tác để người dùng GoPay dễ dàng mua bảo hiểm du lịch, sức khoẻ, xe cộ và tài sản.

Hồi tháng 4, Gojek thâu tóm nhà cung cấp dịch vụ điểm bán Moka để mở rộng mảng lưới cung cấp dịch vụ B2B. Moka hiện tại đang được hơn 35.000 nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và tiệm cà phê ở hơn 100 thành phố tại Indonesia sử dụng

Điều gì sẽ đến tiếp theo?

Mặc dù là startup lớn nhất Indonesia, Gojek không "miễn dịch" trước những tác động của COVID-19. Hôm 23/6, Gojek tuyên bố đóng cửa dịch vụ GoLife (bao gồm dịch vụ mát-xa và dọn dẹp theo yêu cầu). Gojek đồng thời cắt giảm khoảng 9% định biên nhân sự.

Trong một email gửi tới nhân viên, ông Aluwi nói tình hình kinh tế đi xuống và sự thay đổi trong hành vi người dùng là lí do Gojek đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, ông Aluwi nhấn mạnh rằng Gojek sẽ tập trung vào 3 mảng cốt lõi là gọi xe, giao đồ ăn và dịch vụ tài chính trong chặng đường tiếp theo.

[Infographic] Giải mã công thức thành công của ‘siêu kì lân’ Gojek - Ảnh 3.

(Ảnh: Kr-ASIA, Việt hoá: Thái Sơn)

Mới đây, Go-Jek đã thực hiện hợp nhất các thương hiệu của mình ở Việt Nam và Thái Lan đồng thời đưa chúng về cùng sử dụng một nền tảng công nghệ trong bối cảnh Go-Jek mong muốn cải thiện năng lực vận hành và hình ảnh bên ngoài thị trường sân nhà Indonesia.

Sau động thái này, thương hiệu GoViet (Việt Nam) và GET (Thái Lan) đều đổi tên thành Gojek.

Thái Sơn