|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thẩm định chi tiết (Due Diligence) là gì? Các bước thẩm định chi tiết trong đầu tư cổ phiếu

16:24 | 14/11/2019
Chia sẻ
Thẩm định chi tiết (tiếng Anh: Due Diligence) là một cuộc điều tra hoặc kiểm toán một khoản đầu tư hoặc sản phẩm tiềm năng để xác nhận mọi sự việc, có thể bao gồm việc xem xét báo cáo tài chính.
getty_605756200_358270

Hình minh họa. Nguồn: incimages.com

Thẩm định chi tiết

Khái niệm

Thẩm định chi tiết trong tiếng Anh là Due Diligence.

Thẩm định chi tiết là một cuộc điều tra hoặc kiểm toán một khoản đầu tư hoặc sản phẩm tiềm năng để xác nhận mọi sự việc, có thể bao gồm việc xem xét báo cáo tài chính. Thẩm định chi tiết đề cập đến việc nghiên cứu được thực hiện trước khi kí kết một thỏa thuận hoặc giao dịch tài chính với một bên khác.

Các nhà đầu tư thực hiện thẩm định trước khi mua chứng khoán từ một công ty. Thẩm định chi tiết cũng có thể đề cập đến cuộc điều tra của người bán đối với người mua, có thể bao gồm việc xem xét người mua có đủ nguồn lực để hoàn tất giao dịch mua hay không.

Các kiểu thẩm định chi tiết

Thẩm định chi tiết được thực hiện bởi các công ty đang tìm cách thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập, các nhà phân tích nghiên cứu vốn cổ phần, các nhà quản lí quĩ, đại lí môi giới và nhà đầu tư. 

Thẩm định chi tiết về chứng khoán của các nhà đầu tư chỉ mang tính tự nguyện. Tuy nhiên, các nhà môi giới có nghĩa vụ pháp lí phải tiến hành thẩm định về chứng khoán trước khi bán chúng.

Thẩm định chi tiết là một phần bắt buộc của cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, được tiến hành kĩ lưỡng bởi nhà bảo lãnh phát hành chứng khoán,

Các bước thẩm định chi tiết trong đầu tư cổ phiếu

Bước 1: Phân tích mức vốn hóa thị trường của công ty

Vốn hóa thị trường có thể là dấu hiệu cho thấy mức biến động giá cổ phiếu, qui mô tiềm năng của thị trường mục tiêu, và quyền sở hữu công ty có thể phân tán đến mức nào.

Bước 2: Xu hướng doanh thu, lợi nhuận và biên lợi nhuận

Nên phân tích tỉ suất lợi nhuận và doanh thu trong vài quí hoặc vài năm, và so sánh các kết quả đó với các công ty trong cùng ngành để có được cái nhìn bao quát.

Bước 3: Ngành và đối thủ cạnh tranh

Xem xét các đối thủ cạnh tranh lớn trong từng ngành kinh doanh có thể giúp nhà đầu tư xác định mức độ cạnh tranh của công ty trong từng thị trường mà nó tham gia.

Bước 4: Định giá

Có nhiều tỉ lệ và số liệu tài chính mà các nhà đầu tư có thể sử dụng để định giá các công ty. Không có một tỉ lệ nào lí tưởng cho mọi khoản đầu tư, vì vậy tốt nhất là sử dụng kết hợp các tỉ lệ để có cái nhìn hoàn chỉnh.

Bước 5: Quản trị và quyền sở hữu

Các cổ đông thường được phục vụ tốt nhất khi những người điều hành công ty có quyền lợi gắn với giá cổ phiếu, tức là khi các nhà quản lí nắm giữ nhiều cổ phiếu công ty.

Bước 6: Bảng cân đối kế toán

Xem xét số tiền mặt, nợ và tài sản mà công ty có; đối chiếu tỉ lệ nợ của công ty với các doanh nghiệp cùng ngành.

Bước 7: Lịch sử giá cổ phiếu

Các nhà đầu tư nên nghiên cứu biến động giá ngắn hạn và dài hạn của cổ phiếu, và liệu giá cổ phiếu đó biến động hay ổn định. So sánh lợi nhuận được tạo ra trong quá khứ và xác định mức độ tương quan với biến động giá.

Bước 8: Khả năng pha loãng cổ phiếu

Liệu công ty có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu hoặc làm pha loãng số lượng cổ phiếu của nó? Nếu vậy, giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng.

Bước 9: Kì vọng

Tìm hiểu dự đoán của các nhà đầu tư phố Wall về doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng trong vài năm tiếp theo; và nghiên cứu các tác động của những xu hướng dài hạn tới tình hình công ty.

Bước 10: Cân nhắc rủi ro dài hạn và ngắn hạn

Nhà đầu tư cần chắc chắn hiểu rủi ro toàn ngành và rủi ro đặc thù của công ty.

(Theo investopedia)

Hằng Hà