|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tàu buôn (Merchant Ship) là gì? Đặc trưng kinh tế - kĩ thuật của tàu buôn

15:26 | 30/10/2019
Chia sẻ
Tàu buôn (tiếng Anh: Merchant Ship) là những tàu chở hàng và chở hành khách vì mục đích thương mại. Như vậy, tàu buôn chỉ bao gồm các tàu chở hàng và chở khách vì mục đích kiếm lời.
Tàu buôn

Hình minh họa

Tàu buôn (Merchant Ship)

Định nghĩa

Tàu buôn trong tiếng Anh là Merchant ShipTàu buôn là những tàu chở hàng và chở hành khách vì mục đích thương mại.

Như vậy, tàu buôn chỉ bao gồm các tàu chở hàng và chở khách vì mục đích kiếm lời.

Đặc trưng kinh tế - kĩ thuật của tàu buôn

Tàu buôn chở hàng có những đặc trưng kinh tế - kĩ thuật quan trọng chủ yếu sau đây:

- Mớn nước của tàu (Draught)

Mớn nước của tàu là chiều cao thẳng đứng từ đáy tàu lên mặt nước, được đo bằng đơn vị mét hoặc đơn vị foot (1 foot = 0,3048 m).

- Trọng lượng của tàu (Displacement)

Trọng lượng hay còn gọi là lượng giãn nước của tàu là trọng lượng của khối nước mà tàu chiếm chỗ tính bằng tấn dài.

- Trọng tải của tàu (Carrying Capacity)

Trọng tải của tàu là sức chở của tàu được tính bằng tấn dài ở mớn nước tối đa về mùa đông, mùa hè hoặc ở vùng biển có liên quan, tùy từng trường hợp.

- Dung tích đăng kí của tàu (Register Tonnage)

Dung tích đăng kí của tàu (Register Tonnage) là thể tích các khoảng trống khép kín trên tàu được tính bằng mét khối, c.ft hoặc tấn đăng kí (Register Ton).

Có hai loại dung tích đăng kí

+ Dung tích đăng kí toàn phần (Gros Register Tonnage - GRT): là dung tích của các khoảng trống khép kín trên tàu, tính từ boong trên cùng trở xuống, trừ các khoảng trống sau: khoang trống để chứa nước dằn tàu (Water Ballast), lối đi trong hầm tàu, buồng lái, buồng hải đồ, buồng tắm, buồng vệ sinh, phòng sửa chữa, kho...

+ Dung tích đăng kí tịnh (Net Register Tonnage - NRT) là dung tích các khoảng trống khép kín để chứa hàng trên tàu. Dung tích đăng kí tịnh của tàu bằng dung tích đăng kí toàn phần trừ đi dung tích các phòng ăn, ở, giải trí của thuyền trưởng và thuyền viên, dung tích buồng máy và buồng hoa tiêu. Dung tích đăng kí tịnh của tàu thường dùng để tính phí qua kênh đào, phí cảng, phí hoa tiêu...

- Dung tích chứa hàng của tàu (Cargo Space)

Khả năng xếp của các loại hàng khác nhau trong hầm tàu gọi là dung tích chứa hàng của tàu (CS).

- Hệ số xếp hàng của tàu (Coefficient of Loading)

Mối quan hệ giữa dung tích chứa hàng của tàu và trọng tải tịnh của nó được biểu thị bằng một hệ số gọi là hệ số xếp hàng hay tỉ khối của tàu (CL).

- Hệ số xếp hàng của hàng hóa (Stowage Factor - SF)

Hệ số xếp hàng của hàng hóa là mối quan hệ tỉ lệ giữa thể tích và trọng lượng của mặt hàng đó, khi hàng đó được xếp trong hầm tàu.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Logistics và vận tải quốc tế, NXB Thông tin và Truyền thông)

Minh Lan