Rủi ro tuần hoàn (Rollover Risk) là gì? Giải thích về rủi ro tuần hoàn
Rủi ro tuần hoàn
Khái niệm
Rủi ro tuần hoàn trong tiếng Anh là Rollover Risk hay roll risk.
Rủi ro tuần hoàn là rủi ro liên quan đến việc tái cấp vốn nợ. Rủi ro tuần hoàn thường gặp phải bởi các quốc gia và công ty khi khoản vay hoặc nghĩa vụ nợ khác (như trái phiếu) sắp đáo hạn và cần phải được chuyển đổi, hoặc chuyển sang nợ mới.
Nếu lãi suất tăng trong thời gian đó, họ sẽ phải tái cấp vốn cho khoản nợ của mình với lãi suất cao hơn và phải chịu nhiều chi phí về lãi suất trong tương lai, hoặc trong trường hợp phát hành trái phiếu, phải trả nhiều tiền lãi cho khách hàng hơn.
Rủi ro tuần hoàn cũng tồn tại trong các công cụ phái sinh, trong đó các hợp đồng tương lai hoặc quyền chọn phải được "chuyển" sang các kì tiếp theo khi các hợp đồng ngắn hạn hết hạn để duy trì vị thế thị trường của một nhà đầu tư. Nếu quá trình này phát sinh chi phí hoặc mất thêm tiền thì nó có thể gây rủi ro.
Giải thích về rủi ro tuần hoàn
Trong giao dịch phái sinh, rủi ro tuần hoàn mang nghĩa tương tự nhưng có chút khác biệt. Nó đề cập đến khả năng vị thế phòng hộ sẽ đáo hạn khi thua lỗ, đòi hỏi phải thanh toán bằng tiền mặt khi hàng rào phòng hộ đáo hạn được thay thế bằng một vị thế mới.
Nói cách khác, nếu một nhà giao dịch muốn giữ một hợp đồng tương lai cho đến khi đáo hạn và sau đó thay thế bằng một hợp đồng mới tương tự như vậy thì người đó sẽ gặp rủi ro về hợp đồng mới có giá cao hơn hợp đồng cũ do phải trả phí hợp đồng để gia hạn vị thế.
Rủi ro tuần hoàn có liên quan nhiều đến điều kiện kinh tế thịnh hành, cụ thể là xu hướng về lãi suất và tính thanh khoản của tín dụng so với điều kiện tài chính của người đi vay. Ví dụ, nếu Mỹ có khoản nợ 1 nghìn tỉ đô la, cần phải được chuyển trong năm tới và lãi suất đột nhiên tăng lên 2% trước khi khoản nợ mới được phát hành, nó sẽ khiến chính phủ phải trả nhiều hơn đối với các khoản thanh toán lãi mới.
Tình trạng của nền kinh tế cũng rất đáng nói. Người cho vay thường không sẵn sàng gia hạn các khoản vay đáo hạn trong tình hình khủng hoảng tài chính, khi giá trị tài sản thế chấp giảm, đặc biệt nếu đó là các khoản vay ngắn hạn, nghĩa là thời gian đáo hạn còn lại của họ là dưới một năm.
Ví dụ thực tế về rủi ro tuần hoàn
Vào đầu tháng 10 năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những quan ngại về hai quốc gia châu Á. "Rủi ro tuần hoàn là mối nguy cơ tiềm năng đối với hai nước Indonesia và Thái Lan, do các khoản nợ ngắn hạn khá lớn của họ (tương ứng khoảng 50 tỉ đô la và 63 tỉ đô la)".
Những lo ngại của Ngân hàng Thế giới phản ánh thực tế rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới đã thắt chặt tín dụng và tăng lãi suất theo sau sự dẫn dắt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vốn đã tăng lãi suất quĩ liên bang từ năm 2015, từ gần 0% lên 2,25% trong tháng 12 năm 2018, kết quả là hàng tỉ đô la Mỹ và đầu tư nước ngoài được rút từ cả hai nước.
(Tài liệu tham khảo: investopedia.com)