|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quản lí sử dụng thiết bị trong doanh nghiệp là gì? Nội dung cơ bản

15:31 | 01/04/2020
Chia sẻ
Quản lí sử dụng thiết bị là nhiệm vụ trực tiếp liên quan tới mục đích mua sắm, tạo lập trang thiết bị của công nghệ.
Quản lí sử dụng thiết bị trong doanh nghiệp là gì? Nội dung cơ bản - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: 123rf)

Quản lí sử dụng thiết bị

Khái niệm

Quản lí sử dụng thiết bị trong tiếng Anh tạm dịch là: Equipment use management.

Quản lí sử dụng thiết bị là nhiệm vụ trực tiếp liên quan tới mục đích mua sắm, tạo lập trang thiết bị của công nghệ, đồng thời tác động tới hiệu quả sử dụng trang thiết bị, qua đó, tới khả năng tái sản xuất của trang thiết bị và công nghệ. 

Bởi công nghệ luôn được vật chất hóa dưới hình thức các trang thiết bị và phương pháp sản xuất, phương án tổ chức sản xuất kinh doanh nên quản lí sử dụng trang thiết bị đồng thời cũng là cách thức để quản lí việc khai thác, cải tiến và đổi mới, hoàn thiện công nghệ. 

Ở giác độ ngược lại, việc cải tiến, hoàn thiện và đổi mới công nghệ cũng phải được thể hiện và quán triệt trong các qui định, chế độ và kế hoạch sử dụng thiết bị. 

Nội dung cơ bản

Việc quản lí sử dụng thiết bị của doanh nghiệp bao gồm những nội dung cơ bản sau đây: 

- Xây dựng chế độ phân cấp quản lí sử dụng trang thiết bị. Nội dung này thường được thực hiện khi doanh nghiệp có qui mô tương đối lớn, được tổ chức thành những bộ phận có tính độc lập nhất định (nhà máy, xưởng, phân xưởng) và sử dụng nhiều trang thiết bị. 

Trong trường hợp này, danh mục trang thiết bị của doanh nghiệp cần được phân thành những trang thiết bị do doanh nghiệp trực tiếp quản lí (có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan) và danh mục trang thiết bị được phân cấp cho từng cấp dưới doanh nghiệp quản lí. 

Ngoài ra, cần có những qui định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng người có liên quan (người trực tiếp sử dụng, người theo dõi, giám sát, cán bộ quản lí bộ phận, …). 

- Xây dựng và thực hiện chế độ làm việc của máy móc, thiết bị (chế độ làm việc theo ca kíp, thời gian làm việc bình quân theo từng thời kì của máy móc thiết bị nói chung và những loại, nhóm máy móc thiết bị chủ yếu/ trọng tâm của doanh nghiệp). 

Chế độ này có thể được xây dựng chung cho toàn bộ hệ thống trang thiết bị của toàn bộ doanh nghiệp hoặc cho từng bộ phận (thường chỉ đến cấp xưởng, nhà máy độc lập, nhất là khi chúng được đặt ở những địa điểm, địa bàn khác nhau); 

Hoặc cho những nhóm, loại thiết bị cụ thể, đặc biệt là những trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, những hệ thống thiết bị liên hoàn, có trình độ cơ giới hóa cao, đặc biệt là hệ thống thiết bị tự động hóa. 

Thông thường, các loại thiết bị có giá trị cao, thời gian sử dụng lâu dài thường được bố trí làm việc liên tục để rút ngắn thời gian khấu hao (để đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn). Việc xây dựng chế độ này thường phải tính đến nhu cầu sản xuất đối với những sản phẩm cụ thể mà trang thiết bị được xem xét có tham gia. 

Chẳng hạn, với những sản phẩm có tính mùa vụ, chế độ làm việc theo ca thường được doanh nghiệp áp dụng (cùng với việc tăng cường sử dụng dịch vụ gia công của các đối tác bên ngoài) để giảm nhu cầu đầu tư. 

- Xây dựng chế độ làm việc (làm việc liên tục, ổn định hay theo chế độ luân phiên) của máy móc thiết bị, công nghệ nói chung cũng như những loại, nhóm công nghệ cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm. 

- Phân tích, đánh giá tình trạng và xu hướng biến động trong sử dụng trang thiết bị của doanh nghiệp, các nhân tố ảnh hưởng/ tác động tới tình trạng và xu hướng biến động trong sử dụng trang thiết bị của doanh nghiệp. 

Chỉ tiêu thường được sử dụng làm cơ sở để phân tích và đánh giá là hệ số sử dụng máy móc thiết bị, hệ số tận dụng máy móc thiết bị nói chung và hệ số sử dụng những máy móc thiết bị chủ yếu của doanh nghiệp. 

Từ chỉ tiêu chung này, người ta có thể phân rã thành các chỉ số bộ phận, căn cứ vào mô hình tác động của những nhân tố khác nhau tới hệ số huy động công suất.

(Tài liệu tham khảo: Quản lí kĩ thuật và công nghệ, PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)

Tuyết Nhi

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.