|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp tự thân vận động (Bootstrapping) trong khởi nghiệp là gì?

19:59 | 29/02/2020
Chia sẻ
Phương pháp tự thân vận động (tiếng Anh: Bootstrapping) nói đến việc một nhà khởi sự kinh doanh bắt đầu mở một công ty với rất ít vốn.
Phương pháp tự thân vận động (Bootstrapping) trong khởi nghiệp là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: cloudways

Phương pháp tự thân vận động

Khái niệm

Phương pháp tự thân vận động trong tiếng Anh là Bootstrapping.

Phương pháp tự thân vận động (Bootstrapping) nói đến việc một nhà khởi sự kinh doanh bắt đầu mở một công ty với rất ít vốn. Một cá nhân được cho là đang bootstrapping khi họ cố gắng thành lập và xây dựng một công ty từ tài chính cá nhân của mình hoặc doanh thu từ hoạt động của công ty mới. 

Đặc điểm của bootstrapping

Một công ty phải tự thân vận động khi một người mở công ty mà có ít hoặc không có tài sản. Điều này trái ngược với việc khởi nghiệp một công ty bằng cách đầu tiên là huy động vốn thông qua các nhà đầu tư thiên thần hoặc các công ty đầu tư mạo hiểm. 

Thay vào đó, những nhà khởi nghiệp bootstrapping phải dựa vào khoản tiền tiết kiệm cá nhân, vốn mồ hôi nước mắt và hoạt động tinh gọn, mức quay vòng tồn kho nhanh và kiểm soát tốc độ đốt tiền để có thể thành công. 

Ví dụ: một công ty bootstrapping có thể cho phép đặt hàng trước sản phẩm, và sử dụng tiền có được từ các đơn đặt hàng đó để phát triển và phân phối sản phẩm của mình. 

So với việc sử dụng vốn mạo hiểm, bootstrapping có thể có lợi vì nhà khởi nghiệp duy trì được quyền kiểm soát cho mọi quyết định. Về khả năng sụt giá, hình thức tài chính này có thể đưa tới những rủi ro tài chính không đáng có cho nhà khởi nghiệp. Hơn nữa, bootstrapping có thể không cấp đủ vốn đầu tư cho công ty để đạt được thành công ở mức hợp lí.

Trong tài chính đầu tư, bootstrapping là một phương pháp xây dựng đường cong tỉ giá giao ngay cho trái phiếu không lãi suất. Phương pháp này về cơ bản được sử dụng để lấp đầy khoảng trống giữa lợi suất của chứng khoán kho bạc và trái phiếu kho bạc.

Ví dụ về Bootstrapping 

Có một số công ty thành công bắt đầu từ việc tự thân vận động. Ví dụ, nền tảng tìm kiếm nhà ở Estely đã được hai nhà sáng lập Galen Warrd và Douglas Cole phát triển bằng phương pháp bootstrapping. Ward đã bỏ công việc cũ vào năm 2007 để mở công ty và thuyết phục người đồng hành của mình bỏ học để tham gia cùng anh.

Với tài chính cá nhân đủ để trang trải cuộc sống trong một năm, hai nhà đồng sáng lập đã đầu tư tổng cộng 4.000 đô la để mua một máy chủ giá rẻ, trả phí thành lập và duy trì một khoản tiền nhằm trang trải các chi phí nhỏ nhặt khác. Công ty đã tăng từ khoản đầu tư cá nhân 4.000 đô la lên doanh thu 1 triệu đô la, được báo cáo trong năm 2014. 

Ngoài ra, các công ty cũng bootstrapping ngay cả khi họ đã thành công. Họ vẫn có thể quyết định nhận các khoản đầu tư trong tương lai. Trên thực tế, đây thường là trường hợp khi một công ty thành công đang đến giai đoạn chững lại và phải sử dụng các khoản đầu tư bên ngoài để đẩy nhanh hoạt động kinh doanh.

Đây là trường hợp của GoPro, ban đầu được Nick Woodman bootstrapping từ tiền tiết kiệm cá nhân của mình và khoản vay 35.000 đô la từ mẹ. Woodman đã nhận khoản đầu tư 200 triệu đô la từ Foxconn 10 năm sau khi mở công ty. GoPro đã hoàn thành đợt phát hành công khai lần đầu (IPO) với mức định giá gần 3 tỉ USD.

(Theo Investopedia)

Ích Y