|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Mỏ vàng' HealthTech Việt Nam

09:12 | 21/07/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh vốn đầu tư rót vào các startup Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 giảm mạnh, vẫn có một lĩnh vực đi ngược lại xu hướng, nhận được số tiền đầu tư cao kỷ lục, đó là HealthTech.

Vừa qua, nền tảng theo dõi dư liệu Tracxn Technologies Ltd. cho biết tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, từ 372 triệu USD xuống còn 66 triệu USD.

Mặc dù tình hình gọi vốn trên thị trường công nghệ của các startup ở Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu năm nay có phần ảm đạm, nhưng vẫn có một số lĩnh vực nhất định cho thấy các tín hiệu lạc quan, trong đó đặc biệt phải kể tới mảng HealthTech (công nghệ y tế).

 Tổng vốn đầu tư vào startup công nghệ tại Việt Nam. (Nguồn: Tracxn - Doanh Chính tổng hợp).

Theo dữ liệu của Tracxn, các startup trong lĩnh vực HealthTech đã gọi vốn thành công 53,5 triệu USD, một con số kỷ lục, tăng 259% so với nửa cuối năm ngoái và tăng 118% so với nửa đầu năm 2022.

Điều này hoàn toàn trái ngược so với một số mảng khác, chẳng hạn như FinTech và ứng dụng doanh nghiệp, với số vốn kêu gọi thành công trong nửa đầu năm nay chỉ dừng ở mức ít ỏi, lần lượt là 6,2 triệu USD và 5,1 triệu USD.

Thị trường có doanh thu ước tính hàng trăm triệu USD mỗi năm

Theo dữ liệu từ Statista, doanh thu trên thị trường Y tế kỹ thuật số tại Việt Nam được dự đoán đạt mức 968,10 triệu USD vào năm 2023. Doanh thu cũng dự kiến có tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 10,89% trong giai đoạn 2023 – 2027, qua đó đạt mức 1,463 tỷ USD vào năm 2027.

Nếu chỉ tính riêng mảng eHealth, doanh thu tại Việt Nam trong năm 2023 dự kiến cán mốc 458,5 triệu USD, ước tính tăng lên khoảng 692,2 triệu USD vào năm 2027.

Doanh thu dự kiến trên thị trường y tế kỹ thuật số tại Việt Nam. (Nguồn: Statista - Doanh Chính tổng hợp).

Trong khi đó, theo Ken Research, thị trường HealthTech tại Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn hơn trong tương lai khi dân số đất nước tăng lên, kết hợp với những thay đổi về khoa học kỹ thuật.

Có thể nói, sau quãng thời gian hơn ba năm kể từ lần đầu đại dịch COVID-19 bùng phát, lĩnh vực HealthTech từ tiềm năng đã dần trở thành nơi được nhiều nhà đầu tư quan tâm, qua đó mở ra nhiều cơ hội mới cho các đơn vị khai thác tại thị trường Việt Nam.

Những yếu tố thúc đẩy thị trường HealthTech Việt Nam

Healthtech là một thuật ngữ bao hàm nhiều công nghệ khác nhau trong lĩnh vực y tế/chăm sóc sức khỏe. Chúng có thể là những phần mềm và hệ thống quản lý (ví dụ: quản lý hồ sơ bệnh án) trong các cơ sở y tế, app điện thoại tư vấn sức khỏe hay khám chữa bệnh từ xa, trí tuệ nhân tạo chẩn đoán bệnh, đồng hồ thông minh theo dõi sức khỏe.

Theo World Bank, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và dự kiến đạt mức dân số 120 triệu người vào năm 2050. Nhóm người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) cũng được dự đoán sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050.

Quá trình chuyển đổi nhân khẩu học này cho thấy nhu cầu chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe nhiều khả năng sẽ tăng lên gần gấp ba lần, từ 15,6 tỷ USD vào năm 2018 lên 42,9 tỷ USD vào năm 2028.

Trong bối cảnh đó, các phân khúc khác nhau của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm công nghệ y tế, sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu của người dân tăng lên theo thời gian.

Bên cạnh đó, đến năm 2050, ước tính hơn 50% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu sẽ được tiếp cận với kiến thức kỹ thuật số. Việt Nam hiện có tỷ lệ sử dụng internet cao bậc nhất ở Đông Nam Á với 69%.

Mạng 3G/4G/5G hiện bao phủ hơn 95% hộ gia đình và Việt Nam cũng đang hướng tới việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây, mở ra cơ hội cho các giải pháp thay thế chăm sóc sức khỏe hiệu quả về chi phí. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với các lựa chọn thay thế chăm sóc sức khỏe tích hợp kỹ thuật số.

Cuối cùng, người dân Việt Nam giờ đây đã quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe cá nhân nhiều hơn, đặc biệt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến nhiều người nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

Trong bối cảnh đó, nhiều người Việt bắt đầu tìm tới các lựa chọn mới nhằm mục đích giúp chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn, qua đó mở ra nhiều cơ hội cho các đơn vị mới, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ y tế, tiếp cận với người tiêu dùng.

"Mỏ vàng" cho các nhà đầu tư

Như đã đề cập, HealthTech là lĩnh vực đã gọi được nguồn vốn cao nhất tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, cho thấy các startup hoạt động trong ngành này vẫn nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư dù ngành công nghệ nói chung đang lao dốc.

Một trong những ví dụ tiêu biểu phải kể đến BuyMed. Chỉ riêng đơn vị này, ông ty đứng sau thuocsi.vn, nền tảng công nghệ cung ứng dược phẩm cho các hiệu thuốc, đã huy động thành công hơn 51 triệu USD, chiếm gần 80% lượng vốn huy động toàn thị trường.

Các nhà đồng sáng lập BuyMed: Hoàng Nguyễn, Peter Nguyễn và Vương Đình Vũ (Từ trái qua phải). (Ảnh: BuyMed).  

Cũng trong nửa đầu năm 2023, Medigo, một startup khác cũng hoạt động trong lĩnh vực HealthTech tại Việt Nam, đã huy động thành công 2 triệu USD (tương đương 50 tỷ đồng) từ quỹ đầu tư East Ventures cùng với sự tham gia của Pavilion Capital và Touchstone Partners.

Với nguồn vốn này, Medigo sẽ tập trung phát triển mạnh hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe với đa dạng lĩnh vực hoạt động như Bác Sĩ tư vấn từ xa, Giao Thuốc Nhanh 24/7 và Xét Nghiệm Tại Nhà.

Trong khoảng ba năm qua, Medigo đã phát triển được hơn 500.000 người dùng. Startup này hiện có khoảng 1.000 đối tác dược phẩm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, cũng như sẽ bắt đầu mở rộng sang các thành phố khác như Bình Dương, Vũng Tàu hay Hải Phòng trong năm nay.

Trước đó, rất nhiều startup HealthTech khác tại Việt Nam đã huy động được từ vài triệu tới vài chục triệu USD, có thể kể tới như Jio Health (30 triệu USD), Med247 (5 triệu USD), eDoctor (1 triệu USD),… cho thấy các startup HealthTech tại Việt Nam nói riêng và ngành HealthTech tại Việt Nam nói chung đã và đang trở thành một “mỏ vàng”, được nhiều nhà đầu tư chú ý tới.

Anh Nguyễn