|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân tầng thẻ điểm cân bằng là gì? Các cấp độ phân tầng

17:18 | 20/03/2020
Chia sẻ
Phân tầng thẻ điểm cân bằng đề cập đến qui trình phát triển các BSC ở từng cấp độ của tổ chức.
Phân tầng thẻ điểm cân bằng là gì? Các cấp độ phân tầng - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: bernardmarr)

Phân tầng thẻ điểm cân bằng

Khái niệm

Phân tầng thẻ điểm cân bằng đề cập đến qui trình phát triển các BSC ở từng cấp độ của tổ chức. 

Những BSC này liên hệ chặt chẽ với BSC cấp cao bằng cách đồng nhất mục tiêu chiến lược và thước đo mà những phòng ban và nhóm cấp dưới sẽ sử dụng để theo dõi quá trình đóng góp vào các mục tiêu chung. 

Mặc dù một số mục tiêu và thước đo có thể giống nhau trong toàn bộ tổ chức nhưng đối với hầu hết các trường hợp, BSC ở từng cấp độ đều bao gồm nội dung phản ánh cơ hội và thách thức cụ thể mà cấp độ đó phải đối mặt.

Các cấp độ phân tầng

- Cấp độ phân tầng thứ 1

BSC cấp cao nhất thường được sử dụng để đánh giá tính hiệu quả tổng thể của tổ chức, là điểm bắt đầu của qui trình phân tầng.

- Cấp độ phân tầng thứ 2

Các mục tiêu và thước đo trong Bản đồ chiến lược và BSC sẽ được đưa xuống cấp bậc tiếp theo trong bộ máy tổ chức, thông thường bao gồm các đơn vị kinh doanh riêng lẻ.

- Cấp độ phân tầng thứ 3

Các phòng ban và nhóm cụ thể sẽ phát triển các BSC dựa trên những BSC "đứng trước", trong trường hợp này là BSC của đơn vị kinh doanh.

- Cấp độ cuối cùng

Các BSC của đội và cá nhân. Những tổ chức nào phân tầng BSC đến được cấp độ này sẽ đạt được giá trị tối đa từ BSC vì họ đã đảm bảo rằng tất cả các nhân viên, bất kể chức năng hay cấp bậc, đều đã phát triển những mục tiêu và thước đo cùng hướng với các mục tiêu chung của công ty. 

Sự am hiểu là chìa khóa để xây dựng thành công BSC cấp cao nhất.

Qui trình phân tầng

Qui trình phân tầng bắt đầu từ đỉnh với BSC cấp cao nhất. BSC cấp cao nhất sẽ nhận diện các mục tiêu và thước đo có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của tổ chức. Chúng liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành chiến lược hành động cho tổ chức. 

Trước khi bắt tay vào thiết lập một BSC, mọi thành viên trong tổ chức phải hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của những thành phần cốt lõi. 

Đây là điều kiện tiên quyết và đặc biệt đúng đối với những cá nhân gánh vác trách nhiệm dẫn dắt sự phát triển của các BSC ở những cấp thấp hơn. 

Nếu những người này không nắm rõ các mục tiêu và thước đo cấp cao thì sẽ rất khó khăn để họ xây dựng các BSC thực sự ăn khớp với mục tiêu cấp cao của tổ chức.

(Tài liệu tham khảo: Thẻ điểm cân bằng - BSC, Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", NXB Hồng Đức)

Diệu Nhi