Nhà quản trị dự án (Project Administrator) là gì? Yêu cầu và trách nhiệm
Nhà quản trị dự án
Khái niệm
Nhà quản trị dự án trong tiếng Anh được gọi là Project Administrator.
Nhà quản trị dự án là người được công ty thực hiện dự án bổ nhiệm nhằm đạt được các mục tiêu dự án.
Đây là một ví trị quản lí có nhiều thách thức với trách nhiệm nặng nề và mức độ ưu tiên luôn thay đổi.
Yêu cầu
Vị trí quản lí dự án đòi hỏi là con người rất linh hoạt, nhạy bén sắc sảo, có các kĩ năng lãnh đạo và đàm phán tốt, và có kiến thức sâu rộng về quản lí dự án.
Nhà quản trị dự án cần phải am hiểu mọi vấn đề chi tiết của dự án nhưng đồng thời phải quản lí trên tầm nhìn bao quát toàn bộ dự án.
Trách nhiệm
Nhà quản trị dự án phải chịu trách nhiệm về thành công của dự án và chịu trách nhiệm toàn diện về mọi mặt của dự án bao gồm:
- Phát triển kế hoạch quản lí dự án và các kế hoạch bộ phận khác
- Đảm bảo tình hình thực hiện dự án luôn trong khuôn khổ tiến độ và ngân sách cho phép
- Phát hiện, theo dõi và sử lí kịp thời các rủi ro và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện
- Định kì lập các báo cáo một cách chính xác và cập nhật về tình hình thực hiện dự án.
Về một khía cạnh nào đó thì nhà quản trị dự án cũng thực hiện các chức năng quản lí giống như các nhà quản trị các phòng ban chức năng: lập kế hoạch, tổ chức phân công nhiệm vụ, theo dõi kiểm tra giám sát tình hình thực hiện, động viên khuyến khích nhân viên.
Nhà quản trị dự án là đầu mối liên hệ với tất cả các chủ thể dự án như các nhà bảo trợ, đội quản lí dự án, khách hàng và các chủ thể quan trọng khác.
Nhà quản trị dự án liên hệ trực tiếp với khách hàng và họ phải quản lí các mối quan hệ tương tác với khách hàng để đảm bảo những nhu cầu và mong đợi của khách hàng là hợp lí và khả thi có thể đáp ứng được.
Nhà quản trị dự án phải xây dựng và phát triển các mối quan hệ cộng tác tốt với các cấp lãnh đạo và các phòng ban liên quan để tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ và huy động các nguồn lực và chuyên môn phù hợp vào đúng những thời điểm cần thiết để thực hiện các hoạt động dự án.
Nhà quản trị dự án còn phải lãnh đạo, phối hợp và gắn kết các thành viên dự án đến từ các bộ phận khác nhau trong công ty và thường làm việc bán thời gian cho dự án thành một tập thể thống nhất có mục tiêu chung và cùng nỗ lực thực hiện thành công các hoạt động của dự án.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị dự án, TS. Nguyễn Quốc Duy, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2012)