|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nguyên tắc giá gốc (Cost principle) là gì?

09:27 | 09/09/2019
Chia sẻ
Nguyên tắc giá gốc (tiếng Anh: Cost principle hay Historical cost principle) yêu cầu các đối tượng kế toán được ghi nhận theo giá gốc ban đầu khi hình thành và không cần điều chỉnh theo sự thay đổi của giá thị trường trong suốt thời gian tồn tại của đối tượng kế toán.
Nguyên tắc phù hợp (1)

Hình minh họa

Nguyên tắc giá gốc (Cost principle)

Định nghĩa

Nguyên tắc giá gốc trong tiếng Anh là Cost principle hay Historical cost principle. Nguyên tắc giá gốc là nguyên tắc kế toán theo đó các đối tượng kế toán được ghi nhận theo giá gốc ban đầu khi hình thành và không cần điều chỉnh theo sự thay đổi của giá thị trường trong suốt thời gian tồn tại của đối tượng kế toán đó ở đơn vị kế toán.

Các thuật ngữ liên quan

Đối tượng kế toán (Accounting Object) là các khách thể quản lí kinh tế thuộc phạm vi cung cấp thông tin của kế toán.

Đối tượng kế toán ở mọi loại hình đơn vị đều có chung bản chất trên phương diện tiền tệ và cấu trúc tài chính, từ đó hình thành nên đối tượng chung của kế toán, bao gồm:

+ Tài sản và sự vận động của tài sản; hoặc:

+ Tài sản và các hoạt động kinh tế - tài chính; hoặc:

+ Tài sản, nợ phải trả, thu nhập, chi phí, kết quả hoạt động.

Đơn vị kế toán (Accounting Entity) hay còn gọi là thực thể kế toán là đơn vị kinh tế có tài sản riêng, chịu trách nhiệm sử dụng và kiểm soát tài sản đó và phải lập báo cáo kế toán.

Nội dung của nguyên tắc giá gốc

Nội dung của nguyên tắc giá gốc theo VAS số 1 – Chuẩn mực chung được qui định cụ thể như sau:

- Tài sản phải được ghi nhận theo giá gốc. 

- Giá gốc của tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lí của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận. 

- Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có qui định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.

Chú ý

Theo nguyên tắc giá gốc thì khi phát sinh các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến việc mua tài sản cố định, công cụ dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu… thì giá trị của chúng được xác định theo giá gốc chứ không phải theo giá trị trường, tính tại thời điểm mua và cộng với các chi phí liên quan để đưa chúng vào sử dụng (không bao gồm thuế GTGT).

Ví dụ

Một lô hàng hóa được mua nhập kho ngày 01/12/N với giá 100 triệu đồng và chưa xuất kho trong năm N. Tại ngày 31/12/N giá thị trường của lô hàng hóa này là 90 triệu đồng.

Theo nguyên tắc giá gốc, kế toán vẫn ghi nhận giá trị của lô hàng đó trên báo cáo kế toán ngày 31/12/N là 100 triệu đồng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Nguyên lí kế toán, NXB Tài chính)

Minh Lan