|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Ngưỡng nghèo (Poverty threshold) là gì?

15:03 | 04/09/2019
Chia sẻ
Ngưỡng nghèo (tiếng Anh: Poverty threshold) là ranh giới để phân biệt giữa người nghèo và người không nghèo. Theo đó có các loại ngưỡng nghèo cần chú ý.
photo

Hình minh hoạ (Nguồn: economictimes)

Ngưỡng nghèo

Khái niệm

Ngưỡng nghèo hay còn gọi là chuẩn nghèo trong tiếng Anh gọi là: Poverty threshold.

Ngưỡng nghèo là ranh giới để phân biệt giữa người nghèo và người không nghèo. Nó có thể là một ngưỡng tính bằng tiền (thí dụ, một mức tiêu dùng hay thu nhập nào đó), hay phi tiền tệ (ví dụ, một trình độ học vấn nhất định).

Phân loại ngưỡng nghèo

- Ngưỡng nghèo tương đối được xác định theo phân phối thu nhập hoặc tiêu dùng chung trong cả nước để phản ánh tình trạng của một bộ phận dân cư sống dưới mức trung bình của cộng đồng (thí dụ, ngưỡng nghèo tương đối có thể là 50% mức thu nhập trung bình của cả nước).

- Ngưỡng nghèo tuyệt đối là chuẩn tuyệt đối về mức sống được coi là tối thiểu cần thiết để cá nhân hoặc hộ gia đình có thể tồn tại khỏe mạnh. 

Phương pháp chung để xác định ngưỡng nghèo này sử dụng một rổ các loại lương thực được coi là cần thiết để đảm bảo mức độ dinh dưỡng tốt cho con người. Rổ lương thực đó sẽ tính đến cả cơ cấu tiêu dùng lương thực của các hộ gia đình đặc thù trong một nước. 

Trên cơ sở đó, hai ngưỡng nghèo tuyệt đối sẽ được tính toán. 

Ngưỡng nghèo thứ nhất là số tiền cần thiết để mua một rổ lương thực hàng ngày, gọi là ngưỡng nghèo lương thực thực phẩm (LTTP). Ngưỡng nghèo này thường thấp vì nó không tính đến chi tiêu cho các sản phẩm phi lương thực khác. 

Ngưỡng nghèo chung bao gồm chi tiêu cho các sản phẩm lương thực và cả phần chi tiêu cho các sản phẩm phi lương thực. Do sự khác biệt giá cả giữa các vùng nên hầu hết các quốc gia đều phải thiết lập các ngưỡng nghèo khác nhau.

Trên bình diện quốc tế, để tiện so sánh mức độ đói nghèo giữa các nước, các chuẩn nghèo tuyệt đối quốc tế được thiết lập, bao gồm: chuẩn 1 đôla/người/ngày; 2 đôla/người/ngày; 15 đôla/người/ngày. Trong đó, ngưỡng nghèo 1 đôla và 2 đôla/ người/ ngày là do ngân hàng thế giới đưa ra.

Ngưỡng nghèo 1 đôla/ người/ ngày được thiết lập vào cuối những năm 80 của thế kỉ 20, lúc đầu lấy theo giá đôla năm 1985. Sau đó ngưỡng nghèo được điều chỉnh thành 1,08 đôla/ ngày (giá đôla năm 1993) và do lạm phát ở Mỹ, ngưỡng nghèo năm 2000 tăng lên mức khoảng 1,3 đôla/ ngày. 

Ngưỡng nghèo 1 đôla/ người/ ngày tính theo ngang giá sức mua PPP được ngân hàng thế giới áp dụng cho các nước thu nhập thấp (có GNP trên đầu người từ 755 đôla/ năm trở xuống, tính theo giá năm 1999).

Đối với các nước thu nhập trung bình thấp (GNP trên đầu người theo giá năm 1999 từ 756-2.995 đôla/ năm), ngân hàng thế giới áp dụng ngưỡng 2 đôla/ người/ ngày tính theo PPP. Tương tự như ngưỡng 1 đôla/ người/ ngày, ngưỡng 2 đôla/ người/ ngày cũng được điều chỉnh nhiều lần.

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế công cộng, TS. Vũ Cương, PGS.TS Phạm Văn Vận, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tuyết Nhi