Năng lực (Ability) là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực
Hình minh họa. Nguồn: Diverse In
Năng lực (Ability)
Định nghĩa
Năng lực trong tiếng Anh là Ability hay Capability. Theo quan điểm của các nhà tâm lí học, năng lực là tổng hợp các đặc điểm, thuộc tính tâm lí của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao.
Cũng có định nghĩa cho rằng:
Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó như năng lực tư duy, năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo.
Cũng có thể hiểu theo cách đơn giản:
Năng lực là khả năng làm việc của một người trong thực tế.
Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực
Xét về tiêu chí đánh giá, năng lực phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Kiến thức: là những hiểu biết chung về tự nhiên, xã hội; những lí thuyết, phương pháp, số liệu...
Kiến thức được coi là nền tảng, điều kiện cần của năng lực vì có kiến thức con người có cơ sở lí luận dẫn đường nên tránh được hành động mù quáng, tự phát, dẫn đến nhiều rủi ro.
Muốn có được và không ngừng gia tăng kiến thức, con người cần phải được đào tạo. Tuy nhiên, việc đào tạo không đơn thuần chỉ theo những khóa học trong các trường, lớp với cách thức truyền thống mà có thể bằng cách khác như tự trau dồi, rèn luyện...
- Kĩ năng: là mức độ thành thạo trong việc tiến hành một hoạt động cụ thể nào đó.
Mỗi người phải thực hiện nhiều công việc khác nhau nên cần có nhiều kĩ năng khác nhau.
Kĩ năng là bộ phận rất quan trọng của năng lực, vì suy cho cùng, năng lực được biểu hiện qua kết quả đạt được trong thực tế, mà các kết quả đạt được là sản phẩm trực tiếp của các kĩ năng.
Muốn có và không ngừng gia tăng kĩ năng, không có con đường nào khác là phải nỗ lực rèn luyện, làm việc.
- Kinh nghiệm: là những bài học tích luỹ được từ thực tế cuộc sống.
Trong quá trình làm việc, con người phải thực hiện nhiều công việc khác nhau, trong đó có việc mới, việc cũ. Khi làm việc cũ đỡ tốn kém thời gian, đỡ sai sót, rủi ro hơn việc mới. Sở dĩ như vậy vì khi làm việc cũ người ta sử dụng kinh nghiệm có sẵn.
Đặc biệt đối với những công việc nếu làm sai sẽ gây hậu quả nghiêm trọng thì kinh nghiệm là một thành tố vô cùng quan trọng của năng lực.
Kinh nghiệm có được chủ yếu thông qua quá trình tự đánh giá, phân tích những được, mất qua từng hoạt động và rút ra những bài học cần ghi nhớ trong quá trình hoạt động của chính bản thân mình.
Trong một số trường hợp, có thể học kinh nghiệm từ những người khác thông qua cách giải quyết công việc trong những tình huống cụ thể.
- Các mối quan hệ: là những quan hệ mang tính chất cá nhân do từng người tự xây dựng cho mình qua thời gian.
Các mối quan hệ thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau cũng như niềm tin dành cho nhau nên chúng sẽ giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ được nhanh hơn, thậm chí hiệu quả hơn.
Chẳng hạn như người nào đó lần đầu tiên vay vốn từ ngân hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc tiến hành các thủ tục mất nhiều thời gian nhưng nếu đã quan hệ với ngân hàng trong nhiều năm thì thủ tục sẽ nhanh chóng hơn nhiều.
Do vậy các mối quan hệ cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng cấu thành năng lực.
- Sự mong muốn (động cơ, hoài bão)
Mỗi cá nhân thường có mong muốn hay ước mơ làm việc trong một lĩnh vực nào đó. Sự mong muốn này mang lại cho họ cảm giác hứng thú, say mê. Khi có hứng thú, say mê, con người sẽ được thúc đẩy để không ngừng học tập và rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Từ đó năng lực có điều kiện phát triển. Sự mong muốn được coi là bộ phận quan trọng hàng đầu của năng lực, vì nếu không có sự hứng thú, say mê, kết quả làm việc khó có thể tốt đẹp.
- Quan niệm về trách nhiệm xã hội: là những quan niệm về mục tiêu, lí tưởng sống, đạo đức...
Chúng sẽ được biểu hiện trên hành vi, thái độ của con người trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc. Yếu tố năng lực này rất cần thiết cho con người, chẳng hạn, nếu ai đó có quan niệm tôn trọng "chữ tín", cuộc sống và công việc thường thuận lợi, được người khác tôn trọng.
- Các đặc điểm cá nhân
Bên cạnh những yếu tố đã đề cập trên, năng lực còn phụ thuộc vào đăc điểm cá nhân của từng con người cụ thể.
Có những đăc điểm cá nhân do bẩm sinh mà có, như sự nhạy bén, trí thông minh… nhưng những đặc điểm bẩm sinh như vậy không nhiều và cũng phải rèn luyện mới phát triển được.
Phần lớn các đặc điểm cá nhân chủ yếu do học tập, rèn luyện mà có. Những đặc điểm ấy thường là: Tự tin, quyết đoán, sẵn sàng chịu trách nhiệm, thích ứng với môi trường, khả năng chịu đựng cao, có tinh thần hợp tác...
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị học, Trường Đại học Kinh tế tài chính)