|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình đánh giá đào tạo dựa trên vốn đầu tư của Phillips là gì?

11:36 | 10/06/2020
Chia sẻ
Mô hình đánh giá đào tạo dựa trên vốn đầu tư của Phillips là một trong những mô hình được dùng để đánh giá kết quả đào tạo trong doanh nghiệp.
Mô hình đánh giá đào tạo dựa trên vốn đầu tư của Phillips là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Intpro)

Mô hình đánh giá đào tạo dựa trên vốn đầu tư của Phillips

Khái niệm

Mô hình đánh giá đào tạo dựa trên vốn đầu tư của Phillips là mô hình được phát triển theo nghiên cứu của Phillips (2003), trong đó, coi đào tạo là một khoản đầu tư hơn là một khoản chi phí. Vì vậy, có thể đánh giá hiệu quả của đầu tư cho đào tạo dựa trên một số những chỉ tiêu đã xác định sẵn.

Đánh giá kết quả đào tạo là một hoạt động rất cần thiết đối với doanh nghiệp. Không những thế, đánh giá kết quả đào tạo còn giúp doanh nghiệp xác định được đâu là những nội dung đào tạo không đem lại kết quả như mong muốn, đâu là những nội dung cần phải thay đổi hay loại bỏ; từ đó có những rút kinh nghiệm cho các khóa đào tạo tiếp theo.

Ở một phương diện khác, đánh giá đào tạo còn giúp nhà quản trị ra quyết định (có nên đào tạo hay không, có nên cải thiện nội dung đào tạo hay không…) và để truyền thông đào tạo (đảm bảo cho việc vận hành tốt những khóa đào tạo trong tương lai).

Qui trình đánh giá kết quả đào tạo dựa trên vốn đầu tư

Mô hình được cụ thể hóa thành các bước sau:

Mô hình đánh giá đào tạo dựa trên vốn đầu tư của Phillips là gì? - Ảnh 2.

Mô hình này cho phép tính toán lợi ích của đào tạo bằng cách sử dụng một công thức đơn giản và được áp dụng rộng rãi trong quản trị (thường gọi là: tỉ lệ chi phí /lợi ích):

RCI = Tiết kiệm ròng x 100/Chi phí đào tạo

Trong đó:

- Tiết kiệm ròng: Tiết kiệm gộp - Chi phí đào tạo

- Tiết kiệm gộp: Lượng chi phí giảm đi tính theo 1 hoặc 1 vài chỉ số xác định

- Chi phí đào tạo: Tổng hợp những chi phí đào tạo (chi cho giảng viên, lương cho nhân viên, phụ cấp, cơ sở vật chất…)

Tuy nhiên, việc tách biệt những dữ liệu tác động bởi đào tạo với những dữ liệu tác động bởi những yếu tố khác là không đơn giản. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho rằng hầu như không thể xác định được mối quan hệ nhân quả giữa đào tạo với sự thay đổi của chỉ số RCI.

Vấn đề là mục tiêu của đánh giá kết quả đào tạo thông qua chỉ số RCI không phải là để khẳng định một mối quan hệ nhân quả mà là xác định những tác động cụ thể của đào tạo (có thể bằng dữ liệu định tính hoặc định lượng) và so sánh nó với những khoản đầu tư đã bỏ ra.

(Tài liệu tham khảo: Các mô hình đánh giá kết quả đào tạo trong doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thị Liên, Tạp chí Công thương, 2017)

Tuyết Nhi