|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Ma trận chiến lược chính (Grand Strategy Matrix - GS Matrix) là gì?

09:21 | 18/10/2019
Chia sẻ
Ma trận chiến lược chính (tiếng Anh: Grand Strategy Matrix) là một công cụ được sử dụng phổ biến để hình thành các chiến lược có khả năng lựa chọn.
Grand Strategy Matrix

Hình minh họa

Ma trận chiến lược chính (Grand Strategy Matrix)

Định nghĩa

Ma trận chiến lược chính trong tiếng Anh là Grand Strategy Matrix, viết tắt là GS Matrix

Ma trận chiến lược chính là một công cụ được sử dụng phổ biến để hình thành các chiến lược có khả năng lựa chọn. Ma trận này cũng dựa trên hai tiêu thức đánh giá là vị trí cạnh tranh và sự tăng trưởng của thị trường.

Nội dung ma trận chiến lược chính

- Như hình minh họa, ma trận chiến lược chính dựa trên hai khía cạnh đánh giá là vị trí cạnh tranh và tăng trưởng thì trường (ngành). Bất kì ngành kinh doanh nào có tốc độ tăng trưởng doanh số hàng năm vượt quá 5% đều có thể được xem là tăng trưởng nhanh.

- Tất cả các doanh nghiệp (bộ phận doanh nghiệp) đều có thể nằm ở một trong bốn góc vuông chiến lược của ma trận chiến lược chính. Các chiến lược thích hợp cho doanh nghiệp được liệt kê theo thứ tự hấp dẫn trong mỗi góc vuông của ma trận.

The+Grand+Strategy+Matrix

Nguồn: Pearson Education

(1) Các doanh nghiệp nằm ở góc vuông I của ma trận chiến lược chính đang có một vị trí chiến lược tuyệt vời.

+ Đối với những doanh nghiệp này, tiếp tục tập trung vào thị trường hiện tại (thâm nhập và phát triển thị trường) và sản phẩm (phát triển sản phầm) là những chiến lược thích hợp.

+ Nếu doanh nghiệp có thừa nguồn lực thì chiến lược kết hợp từ phía sau, phía trước hay theo chiều ngang đều có thể là những chiến lược hữu ích. 

+ Khi doanh nghiệp quá tập trung vào một sản phẩm riêng lẻ thì sự đa dạng hoá tập trung có thể tận dụng được các cơ hội bên ngoài và làm giảm những rủi ro trong kinh doanh.

(2) Các công ty ở góc phần tư thứ II cần nghiêm túc đánh giá cách tiếp cận hiện tại của họ với thị trường. 

+ Mặc dù ngành kinh doanh dang tăng trưởng nhưng doanh nghiệp rất khó cạnh tranh có hiệu quả và vì vậy phải xác định tại sao phương pháp kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp lại không hữu hiệu, doanh nghiệp có thể thay đổi như thế nào để cải thiện tốt nhất các hoạt động cạnh tranh của mình.

+ Vì doanh nghiệp thuộc ngành có sự tăng trưởng nhanh về thị trường nên chiến lược tập trung (tương phản với kết hợp hay đa dạng hoá) thường là sự chọn lựa đầu tiên. 

+ Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không có khả năng đặc biệt hay lợi thế cạnh tranh thì sự kết hợp theo chiều ngang thường là chiến lược thay thế có nhiều khả quan. Và cuối cùng chiến lược thu hẹp hay rời bỏ thị trường cũng cần được xét đến. Chiến lược thu hẹp có thể cung cấp vốn để mua lại các doanh nghiệp khác hay mua lại cổ phần.

(3) Doanh nghiệp nằm ở góc vuông III cạnh tranh trong các ngành có mức tăng trưởng chậm và có vị trí cạnh tranh yếu.

+ Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những thay đổi đáng kể và nhanh chóng để tránh những thất bại lớn hơn và khả năng vỡ nợ. 

+ Trước hết có thể nghĩ đến chiến lược cắt giảm: giảm vốn và những chi phí tốn kém (hạn chế chi tiêu). Một chiến lược khác có thể là chuyển nguồn lực ở lĩnh vực đang kinh doanh sang lĩnh vực hoạt động khác.

+ Nếu tất cả đều thất bại thì sự lựa chọn cuối cùng là thu hẹp hay từ bỏ thị trường.

(4) Các doanh nghiệp thuộc góc vuông thứ IV có vị trí cạnh tranh mạnh nhưng lại thuộc ngành có mức độ tăng trưởng thấp.

+ Những doanh nghiệp này có đủ sức mạnh để đưa các chương trình đa dạng hoá vào những linh vực tăng trưởng có nhiều hứa hẹn hơn. 

+ Mức lưu thông tiền mặt của các doanh nghiệp này cao, nhu cầu tăng trưởng bên trong bị hạn chế và vì vậy các doanh nghiệp này thường có thể theo đuổi thành công các chiến lược đa dạng hoá tập trung, theo chiều ngang hay liên kết, liên doanh.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị chiến lược, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Ma trận chiến lược chính, Ths. Lê Thị Bích Ngọc)

Minh Lan