Luật mẫu về chữ kí điện tử (Model Law on Electronic Signatures - MLES) là gì?
Luật mẫu về chữ kí điện tử
Khái niệm
Luật mẫu về chữ kí điện tử trong tiếng Anh được gọi là Model Law on Electronic Signatures - MLES.
Luật mẫu về chữ kí điện tử được Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) ban hành vào ngày 5/7/2001.
Luật mẫu về chữ kí điện tử là tiêu chuẩn đánh giá kĩ thuật giữa chữ kí điện tử và chữ kí viết tay. Mục đích của việc ban hành Luật mẫu chữ kí điện tử là nhằm mục đích đem lại một khuôn khổ pháp lí điều chỉnh đối với việc sử dụng chữ kí điện tử.
Luật mẫu có cách tiếp cận với các vấn đề công nghệ một cách trung lập, tránh sử dụng những từ ngữ kĩ thuật chuyên ngành. Luật mẫu còn là các qui định cơ bản để xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của người kí, người nhận và bên thứ ba tham gia vào quá trình kí điện tử.
Luật mẫu về chữ kí điện tử là nguồn luật tham khảo chung cho các quốc gia về điều chỉnh chữ kí điện tử trong các thông điệp dữ liệu. Ngoài ra, các quốc gia cũng ban hành những văn bản qui phạm pháp luật riêng điều chỉnh chữ kí số.
Vai trò
Việc chữ kí điện tử được chấp nhận về mặt giá trị pháp lí theo qui định của Luật mẫu về chữ kí điện tử của Ủy ban liên hiệp quốc đã giúp cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia ngày càng phát triển về qui mô, giá trị.
Chữ kí điện tử được chấp nhận về mặt giá trị pháp lí cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận giá trị pháp lí của các hợp đồng điện tử.
Luật mẫu chữ kí điện tử được xây dựng trên nền tảng Điều 7 của Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL. Luật mẫu về chữ kí điện tử gồm 12 điều khoản.
Đặc điểm
- Thứ nhất, Luật mẫu về chữ kí điện tử đã cung cấp các tiêu chuẩn để nhận ra đâu là chữ kí điện tử về mặt pháp lí mà không quan tâm tới công nghệ được sử dụng.
- Thứ hai, Luật mẫu chứ kí điện tử không giải quyết các vấn đề liên quan tới trách nhiệm của các bên tham gia vào hệ thống kí điện tử. Việc qui trách nhiệm cho các bên sẽ được áp dụng theo các văn bản luật pháp khác.
Luật mẫu chỉ đưa ra các tiêu chuẩn để đánh giá việc tham gia của các bên, bao gồm người kí, cơ quan cung cấp dịch vụ chứng thực, bên xác thực.
- Thứ ba, quan trọng nhất, Luật mẫu này khẳng định rằng chữ kí điện tử có chức năng tương đương chữ kí viết tay.
(Tài liệu tham khảo: Cơ sở hạ tầng của thương mại điện tử, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)