|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Truyền thông phải trả tiền (Paid Media) là gì? Tại sao nên sử dụng Paid Media?

13:04 | 21/05/2020
Chia sẻ
Paid media đề cập đến những gì thương hiệu phải trả tiền để có được, bao gồm các bài viết quảng cáo trên các trang tin điện tử, bài đăng của người nổi tiếng có liên quan đến thương hiệu, quảng cáo PPC,...
Truyền thông phải trả tiền (Paid Media) là gì? Tại sao nên sử dụng Paid Media? - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Straight Connect LLC)

Paid Media 

Khái niệm

Paid media tạm dịch là Truyền thông phải trả tiền.

Paid media đề cập đến những gì thương hiệu phải trả tiền để có được, bao gồm các bài viết quảng cáo trên các trang tin điện tử, bài đăng của người nổi tiếng có liên quan đến thương hiệu, quảng cáo PPC (Per-Pay-Click),...

Paid media là một thành phần thiết yếu của tăng trưởng doanh thu và nhận thức về thương hiệu cho các doanh nghiệp trực tuyến. 

Các loại phương tiện truyền thông

Có ba loại phương tiện truyền thông là: Paid Media, Earned Media và Owned Media.

- Owned Media (truyền thông sở hữu) là một trang web, blog hoặc thực thể web khác mà bạn có quyền kiểm soát. 

- Earned Media hoặc Organic Media (truyền thông lan truyền) là nội dung được lan truyền tự nhiên trên web dựa trên mức độ phổ biến và giá trị vốn có của nó, chẳng hạn như các đánh giá và bình luận của khách hàng trên phương tiện truyền thông mạng xã hội. Khi đó khách hàng trở thành kênh quảng bá của thương hiệu.

- Paid media gần với marketing truyền thống hơn, theo đó bạn trả tiền cho bên thứ ba để truyền đi rộng rãi thông điệp của mình đến các cá nhân khác. 

Mặc dù trước đây có thể phân loại tất cả các phương tiện truyền thông thành paid, earned hoặc owned, nhưng những trải nghiệm về marketing chéo kênh đang làm lu mờ các loại phương tiện trên.

Ví dụ: truyền thông mạng xã hội là earned media về mặt kĩ thuật, nhưng nó cũng có một số mặt cần trả phí. Điều này khiến nó trở thành một nền tảng hỗ trợ các loại chiến lược, kĩ thuật và chiến dịch khác nhau.

Tại sao nên sử dụng Paid Media?

Paid media là một trong những cách nhanh nhất để tăng lưu lượng truy cập.

Đối với một số người dùng, một bài đăng được quảng cáo trên mạng xã hội sẽ là lần đầu tiên họ tiếp xúc với doanh nghiệp hoặc thương hiệu của bạn. Cho dù bạn là một liên doanh mới, non trẻ hay đã hoạt động ổn định, thì cơ hội để truyền bá thương hiệu của bạn càng rộng càng tốt luôn là mục tiêu hàng đầu. 

Nội dung của bạn, ngay cả khi phải trả tiền, vẫn có khả năng nhận được các lần click chuột và thậm chí là người theo dõi, dẫn đến số earned click trong tương lai.

Ngoài ra, kết quả của nội dung trả phí sẽ dễ theo dõi hơn nội dung không phải trả phí. 

Cuối cùng, chỉ vì nội dung được quảng bá không có nghĩa là nó không có giá trị. Như nhiều chuyên gia truyền thông mạng xã hội đã nói, cách thức của Internet và truyền thông mạng xã hội là bí ẩn và thường không có cách nào để giải thích hoặc dự đoán tại sao một số nội dung lại trở nên phổ biến hơn phần còn lại. 

Vì đôi khi, đó chỉ là vấn đề của thời điểm.

Các chương trình quảng cáo có trả tiền có thể giúp đảm bảo nội dung của bạn được chọn, được chia sẻ và tới chỗ những người có ảnh hưởng phù hợp

Các loại Paid Media

Các cách khác nhau mà doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu của mình thông qua paid media. 

1. Paid Social Media

Paid Social Media (truyền thông mạng xã hội trả phí) là phổ biến nhất. Nó xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày khi mọi nền tảng xã hội hiện cung cấp các tùy chọn trả phí. Tại đây, doanh nghiệp trả tiền để mua quảng cáo cho người dùng trên nền tảng xem được, tùy thuộc vào sở thích, hành vi, nhân khẩu học và vị trí,...

Facebook, Instagram, YouTube, LinkedIn, Twitter, Snapchat và Pinterest là những kênh hoạt động hàng đầu cho quảng cáo mạng xã hội trả phí. Mỗi kênh sẽ cung cấp tài khoản cho doanh nghiệp, để bạn có thể tạo quảng cáo hoặc quảng bá rộng hơn các bài đăng có sẵn. Một số còn giúp bạn nhắc người dùng nhắn tin cho bạn, thích trang của bạn và giúp bạn có thêm nhiều khách hàng tiềm năng và truy cập hơn. 

Instagram, TikTok và Snapchat cũng được biết đến với hoạt động marketing của influencers (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), nơi những người này quảng bá thương hiệu/sản phẩm tới những người theo dõi và người hâm mộ trung thành của họ trong thị trường thích hợp. Những influencer được trả một số tiền thương lượng hoặc một phần trăm doanh số, hoặc quà tặng và sản phẩm để đổi lấy một bài đăng về thương hiệu.

2. Quảng cáo trên công cụ tìm kiếm

Chúng gồm quảng cáo PPC (trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột) và PPI (trả tiền cho mỗi lần hiển thị). 

PPC là những quảng cáo xuất hiện trên trang báo mạng, blog, phương tiện truyền thông... nhưng nhà quảng cáo chỉ bị tính phí khi người dùng nhấp vào nó. 

Quảng cáo PPI được tính phí mỗi khi quảng cáo được hiển thị trên một trang web, bất kể tương tác hay được nhấp vào. 

3. Banner Ads

Quảng cáo banner, còn được gọi là display ads và web ads, thường là quảng cáo trực quan, dựa trên hình ảnh hiển thị trên các trang web trong một thời gian giới hạn và dẫn người dùng đến trang web của nhà quảng cáo hoặc trang đích cụ thể. Loại quảng cáo này được nhúng vào trang web dưới dạng hình ảnh hoặc gif.

Hiệu suất của quảng cáo được ghi lại theo tỉ lệ nhấp chuột, nghĩa là số lần nhấp đến trang đích xuất phát từ trang web cho số lần hiển thị quảng cáo.

4. Native Ads

Native Ads là những quảng cáo trực quan hoặc văn bản phù hợp với thiết kế, kiểu chữ và giao diện của trang web họ đang truy cập. Chúng hiển thị trên các trang web dưới dạng In-Feed, Nội dung được tài trợ/đề xuất (Sponsored/Recommended), Search & Promoted,... Loại quảng cáo này cũng bao gồm các quảng cáo thông báo và ảnh hưởng đến chuyển đổi.

5. OOH và DOOH

Out-of-home (OOH) và digital out-of-home (DOOH) tiếp cận người dùng khi họ ở ngoài trời và trong không gian công cộng. OOH là một phần của quảng cáo truyền thống để tiếp cận người dùng khi họ đi làm, mua sắm,... thông qua bảng quảng cáo, áp phích, nhà chờ xe buýt, ghế dài, rạp chiếu phim,... Kênh quảng cáo này không có sự tham gia của chương trình được lập trình hoặc kĩ thuật số.

(Tham khảo: bigcommerce, martechadvisor)

Ích Y