|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tủ giao nhận hàng thông minh (Smartbox) là gì? Ví dụ áp dụng tủ giao nhận hàng thông minh tại Hà Nội

09:56 | 26/05/2020
Chia sẻ
Tủ giao nhận hàng thông minh (tiếng Anh: Smartbox) là nơi đã được hai bên mua và bán đồng thuận để người bán/người vận chuyển chuyển hàng tới.
Tủ giao nhận hàng thông minh (Smartbox) là gì? Ví dụ áp dụng tủ giao nhận hàng thông minh tại Hà Nội - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Amazon)

Tủ giao nhận hàng thông minh

Khái niệm

Tủ giao nhận hàng thông minh trong tiếng Anh gọi là: Smartbox/ reception box/ parcel locker.

Tủ giao nhận hàng thông minh là nơi hai bên mua và bán đã đồng thuận từ trước để người bán/người vận chuyển sẽ chuyển hàng tới, sao cho thuận tiện nhất với người nhận.

Với giải pháp này sau khi người mua xác nhận mua hàng và thanh toán, người bán/người vận chuyển sẽ không cần thiết phải giao hàng đến tận nhà hay cơ quan của người nhận.

Người bán/bên giao hàng sẽ gửi cho người nhận mật mã để có thể mở tủ và lấy hàng hóa mình đã mua trong khung thời gian thuận tiện nhất với mình (tất nhiên sau một khoảng thời gian nhất định ví dụ là 3-5 ngày, người mua không lấy hàng, hàng sẽ được vận chuyển về kho/gửi lại người bán, để tối ưu hóa việc sử dụng của tủ).

Trên thế giới, đã có rất quốc gia triển khai tủ giao nhận hàng thông minh dưới các tên gọi khác nhau như smartbox, reception box, parcel locker,…

Lợi ích

Trên thực tế, hình thức giao hàng tận nhà truyền thống xảy ra rất nhiều trường hợp các đơn hàng không giao được trong lần giao đầu tiên do người nhận không có nhà, khiến việc giao hàng phải lặp lại nhiều lần, tăng quãng đường, số lượt và chi phí vận chuyển.

Một số trường hợp, người mua lựa chọn chuyển hàng đến nơi làm việc. Tuy nhiên, hiện nay, một số công ty trên thế giới đã có những qui định hạn chế nhân viên nhận hàng mua online cho cá nhân trong giờ làm việc, vì điều này ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của cá nhân họ và những người xung quanh.

Do vậy, việc giao hàng tại tủ giao nhận hàng thông minh là biện pháp tối ưu cho những vấn đề trên.

Ví dụ áp dụng tủ giao nhận hàng thông minh tại Hà Nội

Ở thành phố Hà Nội, năm 2019 Lazada đã thử nghiệm giải pháp này với tên là Ilogic smartbox, tuy nhiên giải pháp mới dừng lại ở thử nghiệm, chưa triển khai hàng loạt.

Lí do là giải pháp này cần phải có điều kiện tiên quyết là hệ thống thanh toán trực tuyến được đảm bảo an toàn và sử dụng rộng rãi, vì khi sử dụng hệ thống tủ nhận hàng thông minh thì không thể sử dụng hình thức thanh toán phổ biến hiện nay là ship COD.

Blockchain có thể được xem là công nghệ hữu ích giúp hệ thống thanh toán đảm bảo được an toàn và bảo mật, nhờ đó mà những giải pháp về parcel locker hay reception box sẽ có tiềm năng được triển khai rộng rãi hơn ở Việt Nam (De Marco and Padilla 2018; VNPAY 2020).

(Tài liệu tham khảo: Ứng dụng công nghệ blockchain trong hệ thống logistics đô thị: Trường hợp của Thành phố Hà Nội, Trần Thị Hương, Đỗ Bá Lâm, Tạp chí Công thương, 2020)

Tuyết Nhi