|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết hợp pháp (Legitimacy theory) là gì?

16:16 | 11/03/2020
Chia sẻ
Lí thuyết hợp pháp (tiếng Anh: Legitimacy theory) cho rằng hoạt động của tổ chức phải theo các giá trị hay các chuẩn mực xã hội mà tổ chức đó hoạt động.
Lí thuyết hợp pháp (Legitimacy theory) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: throughtheluminarylens)

Lí thuyết hợp pháp

Khái niệm

Lí thuyết hợp pháp hay Lí thuyết về tính hợp pháp trong tiếng Anh gọi là: Legitimacy theory.

Lí thuyết về tính hợp pháp cho rằng hoạt động của tổ chức phải theo các giá trị hay các chuẩn mực xã hội mà tổ chức đó hoạt động. Việc các tổ chức không tuân thủ các giá trị hay chuẩn mực xã hội có thể dẫn tới những khó khăn cho tổ chức đó trong việc đạt được sự ủng hộ của cộng đồng để tiếp tục hoạt động. 

Lí thuyết hợp pháp được bắt nguồn trong nghiên cứu về tính hợp pháp trong chính trị của nhà kinh tế và xã hội học người Đức Max Weber (1922) “Các khái niệm xã hội học” (Concepts in Sociology).

Do những tác động ngày càng nghiêm trọng từ các hoạt động của doanh nghiệp đến môi trường dẫn tới xã hội và cộng đồng luôn mong đợi doanh nghiệp có các ứng xử phù hợp với trách nhiệm môi trường và sẽ đánh giá các hoạt động của họ đối với môi trường. 

Một hợp đồng xã hội (Social contract) được xác lập qui định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ với môi trường. 

Việc không đáp ứng được các mong đợi và kì vọng của xã hội có thể dẫn tới ngừng hoạt động do bị rút giấy phép và điều đó ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp trong dài hạn (Deegan, 2002).

Vì thế, tính hợp pháp tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp thực hành quản lí môi trường và thay đổi hệ thống kế toán để phù hợp với các chuẩn mực và giá trị cộng đồng. 

Lí thuyết này giải thích cho động cơ mà kế toán quản trị môi trường được sử dụng như một công cụ để tổ chức thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm đạt được sự hoạt động hợp pháp.

Giải thích thuật ngữ liên quan

Kế toán quản trị môi trường là quá trình quản lí hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai và thực hiện hệ thống kế toán phù hợp với các vấn đề môi trường.

Kế toán quản trị môi trường thường đặc biệt liên quan đến chi phí theo chu kì sống, kế toán chi phí toàn bộ và đánh giá lợi ích và hiệu quả và lập kế hoạch chiến lược cho quản lí môi trường. (Theo IFAC 2005)

(Tài liệu tham khảo: Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp chế biến dầu khí thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Hoàng Thị Bích Ngọc, Trường Đại học Thương mại)

Tuyết Nhi