|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết tối đa hóa doanh thu (Sales Maximization Theory) là gì?

17:13 | 24/12/2019
Chia sẻ
Lí thuyết tối đa hóa doanh thu (tiếng Anh: Sales Maximization Theory) là một công trình quan trọng trong kinh tế học, giúp các nhà kinh tế học và nhà quản lí hiểu được các quyết định kinh doanh thường có vẻ mâu thuẫn với mô hình tối đa hóa lợi nhuận.
Lí thuyết tối đa hóa doanh thu (Sales Maximization Theory) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Lí thuyết tối đa hóa doanh thu

Khái niệm

Lí thuyết tối đa hóa doanh thu trong tiếng Anh là Sales Maximization Theory.

Lí thuyết tối đa hóa doanh thu được xây dựng dựa trên công trình của nhà kinh tế học người Mỹ William Jack Baumol. Lí thuyết này cố gắng vẽ ra một khung khái niệm chuẩn để hiểu rõ hơn các mục tiêu và chiến lược của các tập đoàn hoạt động trong một thị trường cạnh tranh. 

Công trình của Baumol đã giúp các nhà kinh tế học cũng như các nhà quản lí hiểu được các quyết định kinh doanh thường có vẻ mâu thuẫn với mô hình tối đa hóa lợi nhuận; và là một công trình quan trọng trong kinh tế học vi mô.

(Theo: yourbusiness.azcentral.com)

Tối đa hóa doanh thu có nghĩa là tạo ra doanh thu bán hàng nhiều nhất có thể mà không khiến doanh nghiệp thua lỗ. Đó là một cách tiếp cận kinh doanh khá logic. Xét cho cùng, các doanh nghiệp thường muốn tạo ra càng nhiều doanh thu càng tốt, với chi phí càng thấp càng tốt để tạo ra lợi nhuận lớn hơn. 

Ví dụ về tối đa hóa doanh thu

Giả sử một chủ nhà hàng nghĩ ra một loại đồ uống mới. Ông biết khách hàng sẽ thích nó, nhưng cần tìm ra cách để khiến họ dùng thử để đưa sản phẩm này đến với càng nhiều khách hàng càng tốt mà không mất tiền. 

Đây là một cơ hội tuyệt vời để ông ta sử dụng tối đa hóa doanh thu. Ví dụ, ông ta có thể cung cấp đồ uống mới cho khách hàng với giá rẻ, chấp nhận lỗ cho đến khi họ thích sản phẩm mới. Sau này, ông ta dần dần tăng giá thức uống đó cho đến khi thu được lợi nhuận từ nó.

Lí thuyết tối đa hóa doanh thu bán hàng của Baumol

Lí thuyết tối đa hóa doanh thu bán hàng của Baumol được xây dựng dựa trên lí thuyết cho rằng một khi công ty đã đạt được mức lợi nhuận chấp nhận được đối với hàng hóa hoặc dịch vụ, công ty nên chuyển mục tiêu từ tăng lợi nhuận sang tăng doanh thu từ bán hàng.

Các công ty nên làm như vậy bằng cách sản xuất nhiều hơn, giữ cho giá sản phẩm và dịch vụ thấp và đầu tư vào quảng cáo để tăng cầu sản phẩm. Việc áp dụng mô hình tối đa hóa doanh thu bán hàng sẽ giúp nâng cao danh tiếng chung của công ty và do đó tạo ra lợi nhuận cao hơn trong dài hạn; dù trong ngắn hạn lợi nhuận không được tối đa hóa.

Lí thuyết này được cho là đúng với mọi khía cạnh của một doanh nghiệp, thậm chí là tinh thần của nhân viên. Xét cho cùng, khi nhân viên cảm thấy họ đang làm việc cho một công ty thành công (do doanh thu tăng), họ có xu hướng cung cấp sản phẩm và dịch vụ với số lượng và chất lượng cao hơn. Doanh thu tăng khiến cho lợi nhuận tăng, cho phép công ty tăng thu nhập cho nhân viên.

Nhược điểm của lí thuyết tối đa hóa doanh thu

Nhược điểm của tối đa hóa doanh thu thường bắt nguồn từ cổ đông. Các cổ đông có xu hướng tập trung vào lợi nhuận, nhưng đó không phải là trọng tâm chính của mô hình tối đa hóa doanh thu bán hàng của Baumol. Và khi tỉ suất lợi nhuận của công ty thấp, có thể công ty sẽ có ít tiền hơn để trả cổ tức.

Qui mô của công ty cũng ảnh hưởng đến việc hiệu quả của mô hình tối đa hóa doanh thu bán hàng. Ví dụ, qui mô kinh doanh thường có mối quan hệ với lương nhân viên. Nếu một công ty không thể tăng lương nhân viên do những giới hạn bởi qui mô công ty, việc áp dụng lí thuyết này sẽ thất bại trong việc tăng thu nhập cho nhân viên.

(Theo study.com)

Giang