|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Khe hở thanh khoản (Liquidity Gap) là gì?

10:51 | 07/09/2019
Chia sẻ
Khe hở thanh khoản (tiếng Anh: Liquidity Gap) là một công cụ hữu hiệu trong công tác quản lí rủi ro thanh khoản của ngân hàng. Việc đảm bảo tính thanh khoản không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng đó mà còn ảnh hưởng đến tính an toàn của cả hệ thống.
770-e1540562044402

Hình minh họa

Khe hở thanh khoản

Khe hở thanh khoản trong tiếng Anh là Liquidity Gap.

Khe hở thanh khoản là thuật ngữ được sử dụng trong một số tình hình tài chính để mô tả sự khác biệt hoặc không tương xứng giữa cung - cầu của một chứng khoán hoặc ngày đáo hạn của chứng khoán. 

Các ngân hàng đối phó với rủi ro thanh khoản và khe hở thanh khoản tiềm ẩn ở mức mà ngân hàng cần đảm bảo có đủ tiền mặt mọi lúc để đáp ứng những nhu cầu về tiền. Khi thời gian đáo hạn của tài sản và nợ phải trả khác nhau hoặc có nhu cầu về vốn cao hơn kì vọng, ngân hàng có thể gặp phải tình trạng thiếu tiền mặt và kết quả tạo nên khe hở thanh khoản. 

(Theo investopedia.com)

Công thức tính khe hở thanh khoản

Khe hở thanh khoản = cung thanh khoản - cầu thanh khoản

Cung thanh khoản = Dự trữ (ngân quĩ) đầu kì + Dòng tiền vào trong kì

Cầu thanh khoản = Dự trữ (ngân quĩ) cần thiết cuối kì + Dòng tiền ra trong kì

Dòng tiền vào bao gồm tiền gửi có thể nhận được trong kì tới, các khoản tín dụng có khả năng thu hồi đến hạn kì tới, lãi có thể thu được, thu khác...

Các dòng tiền ra bao gồm chi trả tiền gửi, cho vay theo hạn mức đã cam kết, lãi trả, các khoản tín dụng đến hạn phải trả, chi phí quản lí,...

Nếu Dự trữ (ngân quĩ) đầu kì = Dự trữ (ngân quĩ) cần thiết cuối kì thì Khe hở thanh khoản = Dòng tiền vào trong kì - Dòng tiền ra trong kì

Khe hở thanh khoản và tính thanh khoản của ngân hàng

Ngân hàng tính toán khe hở thanh toán cho từng ngày, tuần, tháng, năm. Các dự tính này được xây dựng dựa trên phân tích các nhân tố hưởng như thời vụ, chu kì, tâm lí, cạnh tranh...

+ Nếu (dòng tiền vào - dòng tiền ra) > 0 ngân quĩ của ngân hàng gia tăng (tăng tính thanh khoản cho tài sản).

Ngân quĩ của ngân hàng gia tăng có thể được chia thành hai trường hợp:

Thứ nhất, ngân hàng chủ định gia tăng ngân quĩ nhằm đối phó với những khó khăn về nhu cầu thanh khoản đột xuất trong kì tới. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ cân nhắc giữa chi phí nắm giữ ngân quĩ cao kì này và chi phí có thể bỏ ra để đáp ứng nhu cầu thanh khoản kì tới. 

Thứ hai, ngân hàng bị động phải gia tăng ngân quĩ do khả năng cho vay thấp (xuất hiện tình trạng dư thừa dự trữ - ứ đọng vốn). Trường hợp này sẽ dẫn đến giảm thu nhập của ngân hàng. Nhà quản lí cần có biện pháp để giảm tính thanh khoản của tài sản bằng cách gia tăng tài trợ, hoặc giảm huy động.

+ Nếu (dòng tiền vào - dòng tiền) ra < 0 ngân quĩ của ngân hàng suy giảm (giảm tính thanh khoản của tài sản).

Nếu ngân quĩ suy giảm song vẫn đảm bảo thanh khoản của ngân hàng, làm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nếu ngân quĩ suy giảm làm giảm khả năng đáp ứng nhu cầu thanh khoản, dẫn đến rủi ro thanh khoản.

(Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Bao Anh Dang