|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược tài chính (Financial strategy) là gì? Nội dung chiến lược

16:54 | 30/08/2019
Chia sẻ
Chiến lược tài chính (tiếng Anh: Financial strategy) là chiến lược do cấp chức năng xây dựng trong ngắn hạn, nhằm góp phần đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược ở cấp cao hơn.
quickbooks-1024x683

Hình minh hoạ (Nguồn: inctech)

Chiến lược tài chính

Khái niệm

Chiến lược tài chính trong tiếng Anh được gọi là financial strategy.

Chiến lược tài chính là chiến lược cấp bộ phận chức năng, hoạch định các hoạt động  quản trị tài chính nhằm hỗ trợ thực hiện chiến lược công ty và chiến lược các đơn vị kinh doanh.  

Chiến lược tài chính là sự kết hợp về cách thức để đưa ra các quyết định đầu tư, tài trợ,  phân chia lợi nhuận và đặt chúng một cách thích hợp trong từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. 

(Theo Luận văn Thạc sĩ Kinh tế: Bùi Phước Quãng, Đại học Kinh tế TP.HCM)

Hay chiến lược tài chính của một tổ chức có liên quan đến một số khái niệm tài chính/kế toán và được coi là trung tâm của quá trình thực hiện chiến lược. 

Nội dung chiến lược

Nội dung của chiến lược tài chính bao gồm bốn thành phần sau:

- Thứ nhất: Thu hút vốn/nguồn kinh phí cần thiết

Thu hút vốn/nguồn vốn để thực hiện các chiến lược: bao gồm cơ cấu vốn; huy động vốn và vay vốn lưu động, sử dụng dự trữ và thặng dư làm nguồn vốn; quan hệ với người cho vay, các ngân hàng và các tổ chức tài chính.

- Thứ hai: Phát triển báo cáo tài chính/ngân sách dự kiến

Báo cáo tài chính/ngân sách dự kiến: Cho phép một tổ chức có thể kiểm định kết quả dự kiến của những hoạt động và những cách tiếp cận khác nhau. Phân tích này có thể được sử dụng để dự báo tác động của những giải pháp thực hiện chiến lược khác nhau. 

Hầu hết tất cả các tổ chức tài chính đều đòi hỏi phải có báo cáo tài chính bất cứ khi nào một doanh nghiệp muốn tìm kiếm vốn.

- Thứ ba: Quản lí/sử dụng các quĩ 

Quản lí/sử dụng các quĩ: Các yếu tố chính để đánh giá các kế hoạch và chính sách liên quan đến việc quản quĩ phải được thực hiện là: hệ thống tài chính, kế toán và ngân sách; hệ thống kiểm soát; tiền mặt, tín dụng và quản rủi ro; kiểm soát và giảm chi phí; dự trù thuế và xác định những lợi thế.

- Thứ tư: Đánh giá giá trị của doanh nghiệp

Đánh giá giá trị của một doanh nghiệp: Đánh giá giá trị của một doanh nghiệp là một bước quan trọng trong thực hiện chiến lược vì những chiến lược hợp nhất, tập trung và đa dạng hóa thường được thực hiện thông qua việc mua lại các công ty khác.

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Các loại chiến lược của doanh nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)  

Diệu Nhi