|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược marketing (Marketing strategy) là gì? Mô hình 4Ps

10:51 | 30/08/2019
Chia sẻ
Chiến lược marketing (tiếng Anh: Marketing strategy) là chiến lược do cấp chức năng xây dựng trong ngắn hạn, nhằm góp phần đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược ở cấp cao hơn.
Strategii-de-marketing

Hình minh hoạ (Nguồn: webgraphic)

Chiến lược marketing

Khái niệm

Chiến lược marketing trong tiếng Anh được gọi là marketing strategy.

Chiến lược marketing là một kế hoạch tổng thể của doanh nghiệp để tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng và biến họ thành khách hàng của các sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. 

Một chiến lược marketing bao gồm tuyên bố giá trị (Value Proposition), thông điệp thương hiệu chính (Key brand messaging), dữ liệu nhân khẩu học của các khách hàng mục tiêu và các yếu tố cấp cao khác của công ty. (Theo Investopedia)

Marketing là một quá trình quản lí mang tính xã hội mà nhờ đó các cá nhân và các tổ chức có được những gì họ cần và muốn thông qua việc tạo ra, cung cấp và trao đổi các sản phẩm có giá trị với những người khác. (Theo Giáo sư marketing nổi tiếng thế giới Philip Kotler)

Một chiến lược marketing hiệu quả là một chương trình được thiết kế pha trộn tất cả các yếu tố của marketing hỗn hợp nhằm mục tiêu cung cấp giá trị cho người tiêu dùng.

Nội dung chiến lược

Marketing hỗn hợp bao gồm tất cả các hoạt động mà công ty có thể làm để gây ảnh hưởng đến nhu cầu về sản phẩm của mình. 

Các biến này thường được gọi là "4 Ps." 4 chữ P là viết tắt của sản phẩm, giá cả, kênh phân phối và hỗ trợ tiêu thụ.

- Product – Sản phẩm

Là tổ hợp "hàng hóa và dịch vụ" của công ty cung cấp cho thị trường mục tiêu. Quyết định chiến lược cũng phải được thực hiện dựa trên các hoạt động xây dựng thương hiệu, bao gói và các tính năng của sản phẩm.

- Price – Giá cả 

Là lượng tiền mà khách hàng phải trả để có được sản phẩm. Chiến lược thực sự cần thiết này có liên quan đến vị thế của khách hàng, sự linh hoạt của giá, các mặt hàng liên quan trong một dòng sản phẩm và các điều khoản bán hàng. 

Có nhiều chiến lược định giá khác nhau tùy thuộc vào chiến lược của doanh nghiệp, đặc tính sản phẩm, mức độ và cường độ cạnh tranh trong ngành...

- Place – Kênh phân phối 

Là các hoạt động của công ty để đưa sản phẩm tới tay khách hàng mục tiêu. Một trong những quyết định marketing cơ bản nhất là lựa chọn kênh phân phối phù hợp.

- Promotion – Hỗ trợ tiêu thụ 

Là các hoạt động truyền đạt các giá trị của sản phẩm và thuyết phục để khách hàng mục tiêu mua sản phẩm. 

Chiến lược hỗ trợ tiêu thụ là cần thiết để kết hợp các hoạt động mang tính riêng lẻ như quảng cáo, bán hàng cá nhân và khuyến mại bán hàng xúc tiến vào một chiến dịch mang tính phối hợp.

Mô hình 4Ps mới

Gần đây các nhà nghiên cứu marketing đã phát triển từ mô hình 4Ps thành mô hình 7Ps và 10Ps bằng việc bổ sung một số Ps mới như sau:

- People – Con người

Tất cả những nhân viên bán hàng có ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của người mua do đó marketing dưới góc độ nhân sự là vô cùng quan trọng. 

Chính sách nhân sự phải hướng tới thực hiện tốt nhất dịch vụ khách hàng, góp phần thu hút và giữ chân khách hàng một cách hiệu quả.

- Physical evidence – Cơ sở vật chất 

Môi trường mà ở đó những đề xuất thị trường được thực hiện và là nơi diễn ra mối quan hệ tương tác giữa công ty và khách hàng.

- Process – Quá trình

Những thủ tục, cơ chế và chuỗi các hoạt động mà theo đó sản phẩm/dịch vụ được thực hiện.

- Profit – Lợi nhuận 

Lợi nhuận không phải là trên hết. Đôi khi doanh nghiệp phải biết hi sinh lợi nhuận, thậm chí là chấp nhận lỗ để thu hút và giữ chân khách hàng. 

- Packaging – Bao gói 

Hình thức và kiểu dáng của bao bì có ý nghĩa ngày càng lớn trong việc thu hút khách hàng, vẫn những sản phẩm với những tính năng như trước nhưng được bao gói bắt mắt và phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp thành công.

- Pace – Tốc độ tiến triển 

Để thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, doanh nghiệp cần biết cách rút ngắn chu kì sống của sản phẩm bằng cách cải tiến sản phẩm truyền thống, cung cấp cho thị trường những sản phẩm có tính năng mới phù hợp hơn.

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Các loại chiến lược của doanh nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)  

Diệu Nhi