|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược phòng thủ (Defensive Strategies) là gì? Nội dung chiến lược

10:00 | 30/08/2019
Chia sẻ
Chiến lược phòng thủ (tiếng Anh: Defensive Strategies) là một trong những chiến lược được cấp doanh nghiệp xây dựng, mang tính định hướng và là căn cứ để xây dựng chiến lược ở cấp thấp hơn.
alo

Hình minh hoạ (Nguồn: cio)

Chiến lược phòng thủ

Khái niệm

Chiến lược phòng thủ trong tiếng Anh được gọi là defensive strategies.

Chiến lược phòng thủ là chiến lược nhằm hạ thấp nguy cơ bị tấn công, làm suy yếu tác động các đòn tấn công đang diễn ra và gây ảnh hưởng để các công ty đối thủ chuyển hướng tấn công sang các công ty khác. 

Mặc dù các chiến lược phòng thủ thường không giúp công ty nâng cao lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên các chiến lược phòng thủ có thể giúp củng cố vị thế cạnh tranh của các công ty trên thị trường.

(Theo Th.S Đặng Thanh Dũng – Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Duy Tân)

Nội dung chiến lược

Chiến lược phòng thủ bao gồm các chiến lược sau:

- Chiến lược cắt giảm

Việc cắt giảm xảy ra khi một doanh nghiệp cơ cấu lại nhằm cắt giảm chi phí và tài sản trong nỗ lực lật ngược lại xu hướng suy giảm trong doanh thu và sản lượng tiêu thụ. Chiến lược cắt giảm này thường được thiết kế nhằm củng cố năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. 

Trong suốt thời kì cắt giảm, các nhà chiến lược phải hoạt động trong phạm vi nguồn lực hạn chế và phải đối mặt với áp lực đến từ các chủ sở hữu, người lao động hay giới truyền thông. 

Chiến lược cắt giảm có thể dẫn đến việc bán đất đai và bất động sản để huy động lượng tiền mặt cần thiết, cơ cấu lại các tuyến sản phẩm, đóng cửa các nhà máy cũ kĩ, các lĩnh vực kinh doanh phân tán, tự động hóa quá trình, cắt giảm lao động và thiết lập hệ thống kiểm soát chi phí.

Theo Fred R.David, chiến lược cắt giảm có thể trở thành một chiến lược cạnh tranh rất hữu hiệu trong một số trường hợp sau đây: 

+ Doanh nghiệp có năng lực riêng biệt nhưng thất bại trong việc đạt được các mục tiêu cả ngắn hạn và dài hạn

+ Khi doanh nghiệp ở vị thế cạnh tranh yếu hơn trong ngành

+ Khi doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả

+ Khi doanh nghiệp không có khả năng phản ứng với môi trường; hay thậm chí là khi doanh nghiệp tăng trưởng quá nhanh và quá rộng đến mức việc cấu trúc lại tổ chức là cần thiết...

- Chiến lược bán bớt

Chiến lược bán bớt được hiểu là bán đi một đơn vị kinh doanh, một bộ phận hay môt phần doanh nghiệp. Chiến lược này thường được thực hiện trong trường hợp doanh nghiệp cần huy động tài chính cho các hoạt động mua bán và đầu tư chiến lược trong tương lai. 

Chiến lược bán bớt có thể là một phần của chiến lược cắt giảm nhằm giúp doanh nghiệp thoát khỏi những lĩnh vực kinh doanh không mang lại lợi nhuận hoặc đòi hỏi quá nhiều nguồn lực hoặc không phù hợp với những lĩnh vực kinh doanh khác của doanh nghiệp.

Theo Fred R.David, chiến lược bán bớt có thể trở thành một chiến lược cạnh tranh rất hữu hiệu trong một số trường hợp sau đây: 

+ Khi một doanh nghiệp đã cắt giảm nhưng thất bại

+ Khi doanh nghiệp cần nhiều nguồn lực để cạnh tranh

+ Khi có một lĩnh vực kinh doanh làm giảm hiệu quả chung của cả doanh nghiệp

+ Khi một lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp không phù hợp với các bộ phận khác và định hướng kinh doanh chung

+ Khi doanh nghiệp bị đe dọa từ các hành động chống độc quyền từ chính phủ...

- Chiến lược đóng cửa

Chiến lược đóng cửa được hiểu là bán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp căn cứ vào giá trị hữu hình của chúng. Chiến lược đóng cửa có thể hiểu là sự thừa nhận thất bại và thường là một chiến lược rất khó khăn về cảm xúc. 

Tuy nhiên, trong những trường hợp tương tự như thế này, việc đóng cửa công ty còn hơn tiếp tục hoạt động với những khoản thua lỗ lớn.

Theo Fred R.David, chiến lược đóng cửa có thể trở thành một chiến lược cạnh tranh rất hữu hiệu trong một số trường hợp sau đây: 

+ Khi một doanh nghiệp đã theo đuổi cả chiến lược cắt giảm và chiến lược bán bớt nhưng đều thất bại

+ Khi doanh nghiệp chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là phá sản thì đóng cửa doanh nghiệp là sự lựa chọn khôn ngoan hơn

+ Khi việc bán tài sản của doanh nghiệp có thể bù đắp cho các chủ sở hữu một phần các khoản thiệt hại về tài chính...

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Các loại chiến lược của doanh nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi