|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Học thuyết thiết lập mục tiêu (Goal Setting Theory) của Edwin Locke

13:04 | 28/08/2019
Chia sẻ
Vào những năm 1960, Edwin Locke đã đưa ra học thuyết thiết lập mục tiêu (tiếng Anh: Goal Setting Theory) trong việc tạo động lực, học thuyết nói rằng một người có mục tiêu rõ ràng thì họ sẽ tập trung nỗ lực vào nhiệm vụ cụ thể đó.
Goal Setting Theory

Hình minh họa

Học thuyết thiết lập mục tiêu của Edwin Locke

Học thuyết thiết lập mục tiêu trong tiếng Anh là Goal Setting Theory.

Vào những năm 1960, Edwin Locke đưa ra học thuyết thiết lập mục tiêu tạo động lực. Khi một người có mục tiêu rõ ràng thì họ sẽ tập trung nỗ lực vào nhiệm vụ cụ thể đó. Việc xây dựng một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được có thể tạo động lực làm việc và cải thiện kết quả làm việc của người lao động nếu mục tiêu đó được họ chấp nhận và được tổ chức hỗ trợ và tạo các điều kiện cần thiết để thực hiện. 

Các bước thiết lập mục tiêu

Để đặt mục tiêu hợp lí cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản trị và người lao động theo 3 bước cơ bản sau:

Bước 1, xác định mục tiêu phù hợp

Mục tiêu nên cụ thể, lượng hóa được và có tính thách thức với người lao động. Xác định rõ mục tiêu khiến người lao động hiểu yêu cầu của doanh nghiệp, giúp giảm thiểu hành vi sai trái, thúc đẩy họ làm việc chăm chỉ hơn để khẳng định bản thân. 

Khi đặt mục tiêu phải chú ý đến sự khác biệt của cá nhân và tác động của yếu tố môi trường. Người có nhu cầu thành đạt cao thường thích các mục tiêu khó, những người có nhu cầu thành đạt thấp lại sợ các mục tiêu khó và thường bị căng thẳng dưới áp lực của mục tiêu dẫn tới kết quả bị giảm sút. 

Bước 2, làm cho người lao động chấp nhận mục tiêu

Nhà quản trị phải cho người lao động thấy mục tiêu là hợp lí, thì người lao động mới có nỗ lực để đạt mục tiêu. Điều này có thể thông qua giải thích để họ hiểu rõ mục tiêu, cho họ tham gia vào quá trình xây dựng mục tiêu và ấn định cơ chế thù lao tương ứng, người lao động sẽ thấy đó là mục tiêu của chính họ chứ không phải là mục tiêu của người khác và ép buộc họ chấp nhận. 

Bước 3, tạo điều kiện môi trường và cung cấp thông tin phản hồi

Cần cung cấp các thông tin phản hồi về những việc đã hoàn thành, chưa hoàn thành, nguyên nhân giúp người lao động tăng cường nỗ lực để đạt mục tiêu. Bổ sung các kĩ năng cần thiết cho người lao động qua đào tạo, ủng hộ và cung cấp thông tin để người lao động thực hiện thành công các mục tiêu của doanh nghiệp.

Học thuyết chỉ ra rằng, để tạo động lực cho người lao động, nhà quản trị phải xác định được các mục tiêu cụ thể và mang tính thách thức cho người lao động có định hướng làm việc. Người lao động cũng tham gia vào quá trình xây dựng mục tiêu, làm cho họ thấy mục tiêu của tổ chức cũng chính là mục tiêu mà họ muốn đạt được để họ chấp nhận tự nguyện các mục tiêu đó. 

Nhà quản trị phải giải thích rõ ý nghĩa, nội dung của mục tiêu cho người lao động, quan sát và tìm hiểu phản ứng của các cá nhân khác nhau với mục tiêu, xem xét tác động của các yếu tố môi trường (phong cách lãnh đạo, công nghệ,...) tới thực hiện mục tiêu và quan trọng nhất là có ủng hộ cần thiết trong quá trình thực hiện mục tiêu của người lao động.

Cuối cùng phải cho người lao động thấy rõ chế độ thù lao cho các nỗ lực bản thân để thực hiện có kết quả tốt các mục tiêu của tổ chức.

(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)

Lam Anh