Hợp đồng bảo hiểm (Insurance policy) là gì? Đặc trưng pháp lí của hợp đồng bảo hiểm
Hình minh họa. Nguồn: DNA India
Hợp đồng bảo hiểm (Insurance policy)
Định nghĩa
Hợp đồng bảo hiểm trong tiếng Anh là Insurance policy. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải nộp tiền đóng phí bảo hiểm còn doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm
Các bên trong hợp đồng bảo hiểm gồm: Bên bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm) và bên được bảo hiểm.
Về phương diện pháp lí, bên được bảo hiểm bao gồm ba người với ba tư cách khác nhau, đó là: người tham gia bảo hiểm (bên mua bảo hiểm), người được bảo hiểm và người thụ hưởng (người được hưởng quyền lợi bảo hiểm).
Khách thể của hợp đồng bảo hiểm
Khách thể của hợp đồng bảo hiểm là lợi ích kinh tế mà bên mua bảo hiểm được hưởng từ trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm. Có thể hiểu đó là việc nhận tiền bồi thường của người mua bảo hiểm.
Để hợp đồng bảo hiểm có khách thể thì bên mua bảo hiểm phải có các qui định về quyền lợi có thể được bảo hiểm (tránh các hành vi vô đạo đức, hành vi trục lợi kiếm lời của bên mua bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm).
Đặc trưng pháp lí của hợp đồng bảo hiểm
(1) Hợp đồng bảo hiểm là dạng hợp đồng song vụ.
- Quyền lợi của bên này là nghĩa vụ phải thực hiện của bên kia.
- Quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên có tính chất đối ứng nhau.
(2) Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng theo mẫu.
- Mẫu hợp đồng bảo hiểm được đưa ra bởi bên bảo hiểm
- Phần lớn các điều khoản chính của hợp đồng đã được soạn thảo sẵn
- Bên mua bảo hiểm chỉ có thể chấp nhận hoặc không giao kết (nếu có thỏa thuận thì chủ yếu là các điều khoản riêng.
- Bên bảo hiểm phải giải thích các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm, khi có tranh chấp thì người mua bảo hiểm sẽ được bảo vệ.
(3) Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng phải trả tiền.
Bên mua bảo hiểm phải thỏa thuận nộp phí bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm mới phát inh trách nhiệm.
(4) Hợp đồng bảo hiểm được thực hiện dựa trên nguyên tắc "trung thực và tín nhiệm tuyệt đối"
- Hợp đồng bảo hiểm chỉ có giá trị pháp lí khi việc xác lập được tiến hành trên cơ sở thông tin trung thực của các bên.
- Nếu phát hiện có sự thiếu trung thực, hợp đồng bảo hiểm sẽ vô hiệu hoặc chấm dứt.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lí thuyết bảo hiểm, NXB Tài chính; Giáo trình Đại lí bảo hiểm cơ bản, NXB Tài chính)