|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hiệu ứng chân lí ảo tưởng (illusory truth effect) là gì?

21:10 | 30/11/2019
Chia sẻ
Theo hiệu ứng chân lí ảo tưởng (tiếng Anh: illusory truth effect) con người sẽ tin một thông tin nào đó đúng chỉ đơn giản vì họ tiếp xúc với thông tin đó nhiều hơn.
gettyimages-952609456

Hình minh họa. Nguồn: Research Digest

Hiệu ứng chân lí ảo tưởng (illusory truth effect)

Định nghĩa

Hiệu ứng chân lí ảo tưởng trong tiếng Anh là illusory truth effect.

Theo hiệu ứng chân lí ảo tưởng, con người sẽ tin một thông tin nào đó đúng chỉ đơn giản vì họ tiếp xúc với thông tin đó nhiều hơn.

Hiệu ứng chân lí ảo tưởng là cảm giác tích cực khi chúng ta nghe thông tin mà chúng ta biết là đúng tương tự như cảm giác xảy ra khi chúng ta nghe thông tin mà chúng ta đã nghe trước đây.

Nói cách khác, nếu mỗi ngày bạn đều nghe đi nghe lại thông tin nào đó (mà bạn chưa kiểm chứng hoặc không có cơ hội để kiểm chứng) thì bạn sẽ có xu hướng tin rằng thông tin này là đúng hơn một thông tin bạn chỉ mới nghe lần đầu.

Liên hệ thực tiễn

Vào năm 1977, nhóm ba nhà khoa học Hasher, Goldstein và Toppino đã tiến hành thí nghiệm sau đây. Người tham gia được mời đánh giá mức độ chính xác của 60 câu khẳng định nghe có vẻ có lí (nhưng rất khó để biết chính xác), ví dụ như: "Bóng rổ thành môn thi Olympics vào năm 1925."

Một số câu khẳng định là đúng, một số là sai.

Người tham gia thí nghiệm thực hiện thí nghiệm ba lần, mỗi lần cách nhau hai tuần. 20 câu khẳng định trong số này được giữ nguyên, còn lại đều được thay đổi ở mỗi lần.

Kết quả là, các khẳng định xuất hiện thường xuyên hơn (cả khẳng định đúng lẫn khẳng định sai) đều được đánh giá là đáng tin hơn các khẳng định chỉ xuất hiện một lần.

Kết luận

Kết quả của thí nghiệm trên rất đáng sợ, bởi nó cho thấy khả năng điều khiển nhận thức đúng sai của con người chỉ bằng cách lặp thông tin đủ nhiều.

Đáng sợ hơn, một số thí nghiệm của các nhà tâm lí học khác thậm chí còn khẳng định rằng: dù ta có biết thông tin thì trong vô thức, ta vẫn bị ảnh hưởng bởi sự lặp lại.

Cronley, Kardes và Hawkins (2006) đã nhấn mạnh rằng cái mà sự lặp lại đánh vào đó là phần vô thức, chứ không phải phần lí trí, cho nên việc có hiểu biết, tư duy logic hay không cũng không thể ngăn ta bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng chân lí ảo tưởng.

Bạn hay thử trả lời những câu hỏi sau:

- Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam là máy nào?

- Nóng trong người bạn uống gì?

- Khi bạn muốn mua ti vi, máy lạnh, máy giặt thì bạn đến đâu?

Chắc hẳn khi đọc xong câu hỏi, tự nhiên trong đầu bạn đã bật ra ngay câu trả lời "có vẻ đúng" của riêng mình.

(Tài liệu tham khảo: Decision Lab, Illusory Truth Effect; Hiệu ứng chim mồi, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

Minh Lan