Hậu cần kinh doanh là gì? Hoạt động và vai trò
Hậu cần kinh doanh
Khái niệm
Hậu cần kinh doanh trong tiếng Anh gọi là: Business logistics.
Hậu cần kinh doanh là tổng thể các hoạt động cung ứng và bảo đảm các yếu tố vật chất và kĩ thuật (nguyên vật liệu, bán thành phẩm, sản phẩm cuối cùng và những thông tin hậu cần) để cho quá trình chính yếu của tổ chức, doanh nghiệp được tiến hành đúng mục tiêu đặt ra cũng như đáp ứng đúng đòi hỏi của khách hàng.
Hậu cần kinh doanh đòi hỏi phải tính đến chi phí, mức dịch vụ khách hàng, hiệu quả hoạt động…
Các hoạt động
Tổng thể các hoạt động hậu cần có thể phân thành hai nhóm chính: Hoạt động hậu cần cơ bản và hoạt động hậu cần bổ trợ.
- Các hoạt động hậu cần cơ bản, gồm có:
(1) Dịch vụ khách hàng: Xác định nhu cầu và mong muốn của khách hàng đối với dịch vụ hậu cần; xem xét phản ứng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ; đặt ra các mức chất lượng dịch vụ phù hợp;
(2) Xử lí đơn hàng và cung ứng: Qui trình bán hàng - đặt hàng; phương thức chuyển giao thông tin đặt hàng; các nguyên tắc và điều kiện đặt hàng;
(3) Quản trị dự trữ: Chính sách dự trữ đối với nguyên vật liệu và thành phẩm; dự báo bán hàng ngắn hạn; số lượng, qui mô và địa điểm của các điểm dự trữ; cung ứng đúng thời điểm (Just In Time - JIT); chiến lược cung ứng đẩy hoặc chiến lược cung ứng kéo;
(4) Vận chuyển: Lựa chọn loại hình phương tiện vận chuyển; cước phí vận tải; thiết kế tuyến đường; lịch trình vận chuyển; xử lí vận đơn; kiểm soát vận chuyển;
(5) Duy trì thông tin hậu cần; Thu thập thông tin và lưu trữ; phân tích dữ liệu; các qui trình kiểm soát;
- Các hoạt động hậu cần bổ trợ, gồm có:
(1) Nghiệp vụ kho: Quyết định về khoảng không gian trong kho; thiết kế cửa nhận hàng và sắp xếp hàng hoá trong kho; hình dạng kho, loại kho;
(2) Bốc dỡ và chất xếp hàng hoá: Lựa chọn thiết bị và chính sách thay thế trang thiết bị; qui trình nhận đơn đặt hàng; dự trữ hàng hoá;
(3) Hoạt động mua: Lựa chọn nguồn cung ứng; thời gian mua; số lượng mua;
(4) Đóng gói bao gói bảo vệ hàng hóa: Thiết kế bao gói; tổ chức bao gói; v.v
Vai trò của hậu cần kinh doanh
Hậu cần thực sự tạo ra giá trị - giá trị cho khách hàng, các nhà cung ứng của doanh nghiệp và cho chính doanh nghiệp. Giá trị trong hậu cần chính là giá trị thời gian và địa điểm. Sản phẩm và dịch vụ sẽ không có giá trị nếu người tiêu dùng không có được chúng đúng nơi và đúng lúc khi họ muốn tiêu dùng.
Ví dụ như, vé vào xem một sự kiện thể thao sẽ không có giá trị đối với những khán giả khi chúng không sẵn có tại thời điểm cũng như địa điểm sự kiện đó diễn ra, hoặc lượng dự trữ được duy trì ở mức thấp so với nhu cầu của các cổ động viên.
Việc quản trị hậu cần có hiệu quả xem xét mỗi hoạt động trong chuỗi cung ứng đều đóng góp vào quá trình làm tăng thêm giá trị.
Nếu giá trị gia tăng được tạo ra quá thấp, một câu hỏi đặt ra là có nên duy trì những hoạt động đó hay không? Tuy nhiên giá trị gia tăng được tạo ra khi khách hàng sẵn sàng trả một mức giá cao hơn so với chi phí để đưa sản phẩm tới tay họ.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị hậu cần kinh doanh, PGS.TS. Lê Công Hoa, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)