|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phục hồi hoạt động kinh doanh là gì? Điều kiện áp dụng

11:11 | 15/01/2020
Chia sẻ
Phục hồi hoạt động kinh doanh là một thủ tục giải quyết phá sản mà toà án có thể quyết định áp dụng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, khi thoả mãn các điều kiện nhất định.
Phục hồi hoạt động kinh doanh (Restoring business operations) là gì? Điều kiện áp dụng - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: quantrimang)

Phục hồi hoạt động kinh doanh

Khái niệm

Phục hồi hoạt động kinh doanh tạm dịch sang tiếng Anh là Restoring business operations.

Phục hồi hoạt động kinh doanh là một thủ tục giải quyết phá sản mà toà án có thể quyết định áp dụng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, khi thoả mãn các điều kiện nhất định.

Phục hồi hoạt động kinh doanh là nội dung thể hiện quan điểm tiến bộ, tính nhân đạo của pháp luật phá sản hiện đại đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

Việc áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh đem lại cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản những cơ hội và điều kiện để tổ chức lại hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp có thể thoát khỏi tình trạng phá sản.

Điều kiện áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh

Khả năng được áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp lầm vào tình trạng phá sản phụ thuộc chặt chẽ vào thiện chí của các chủ nợ.

Thẩm phán ra quyết định áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sau khi hội nghị chủ nợ lần thứ nhất thông qua nghị quyết đồng ý với các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ và yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Sau đó, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và nộp cho toà án.

Ngoài ra, bất kì chủ nợ hoặc người nào nhận nghĩa vụ phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều có quyền xây dựng dự thảo phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp và nộp cho toà án.

Phương án phục hồi hoạt động kinh doanh phải nêu rõ các biện pháp cần thiết phục hồi hoạt động kinh doanh, các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ.

Sau khi nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, thẩm phán phải xem xét để quyết định đưa phương án này ra hội nghị chủ nợ xem xét, quyết định. 

Nếu thấy phương án chưa đảm bảo nội dung theo qui định của pháp luật thì thẩm phán đề nghị người đã xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung.

Nếu quyết định đưa phương án phục hồi hoạt động kinh doanh ra hội nghị chủ nợ, thì thẩm phán triệu tập hội nghị chủ nợ để xem xét, thông qua.

Sau khi hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi, thẩm phán ra quyết định công nhận nghị quyết của hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. 

Nghị quyết này có hiệu lực đối với tất cả các bên có liên quan.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại, TS. Bùi Ngọc Cường, NXB Giáo dục)

Diệu Nhi