|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giải thể hợp tác xã (Dissolution of Cooperative) là gì?

16:35 | 14/01/2020
Chia sẻ
Giải thể hợp tác xã (tiếng Anh: Dissolution of Cooperative) là một trong những thủ tục pháp lí chấm dứt tồn tại của hợp tác xã. Hậu quả pháp lí của giải thể là hợp tác xã bị xoá tên trong sổ đăng kí kinh doanh.
Giải thể hợp tác xã (Dissolution of Cooperative) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: vtvlaw)

Giải thể hợp tác xã 

Khái niệm

Giải thể hợp tác xã tạm dịch sang tiếng Anh là Dissolution of Cooperative.

Giải thể hợp tác xã là một trong những thủ tục pháp lí chấm dứt tồn tại của hợp tác xã. Hậu quả pháp lí của giải thể là hợp tác xã bị xoá tên trong sổ đăng kí kinh doanh. 

Kể từ ngày hơp tác xã nhận được thông báo giải thể, cơ quan đăng kí kinh doanh đã cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh phải thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và xoá tên hợp tác xã trong sổ đăng kí kinh doanh; hợp tác xã phải nộp ngay con dấu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Uỷ ban nhân dân về việc giải thể hợp tác xã thì hợp tác xã có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại toà án theo qui định của pháp luật.

Hợp tác xã có thể tự nguyện giải thể hoặc bị buộc phải giải thể theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có những căn cứ do pháp luật qui định.

Giải thể tự nguyện

Việc giải thể tự nguyện do đại hội xã viên quyết định. 

Khi giải thể tự nguyện, hợp tác xã phải gửi đơn xin giải thể kèm theo nghị quyết của Đại hội xã viên đến cơ quan đăng kí kinh doanh đã cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cho hợp tác xã, đồng thời đăng báo địa phương nơi hợp tác xã hoạt động trong ba số liên tiếp về việc xin giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lí các hợp đồng. 

Giải thể bắt buộc

Hợp tác xã có thể bị buộc phải giải thể theo quyết định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Theo qui định hiện hành, Uỷ ban nhân dân nơi cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh có quyền quyết định buộc giải thể đối với hợp tác xã khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Sau thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh mà hợp tác xã không tiến hành hoạt động;

- Hợp tác xã ngừng hoạt đông trong mười hai tháng liền;

- Trong thời hạn mười tám tháng liền, hợp tác xã không tổ chức được đại hội xã viên thường kì mà không có lí do chính đáng;

- Các trường hợp khác theo qui định của pháp luật.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại, TS. Bùi Ngọc Cường, NXB Giáo dục)

Diệu Nhi