Giải thể công ty nhà nước (Dissolution of State - owned enterprise) là gì? Các trường hợp
Giải thể công ty nhà nước
Khái niệm
Giải thể công ty nhà nước tạm dịch sang tiếng Anh là Dissolution of State - owned enterprise.
Giải thể công ty nhà nước là thủ tục pháp lí chấm dứt sự tồn tại của công ty và công ty bị xoá tên trong sổ đăng kí kinh doanh.
Việc giải thể công ty nhà nước do người kí quyết định thành lập công ty quyết định.
Người quyết định giải thể công ty phải lập Hội đồng giải thể. Hội đồng giải thể có chức năng tham mưu cho người quyết định giải thể công ty về việc quyết định giải thể công ty và tổ chức thực hiện quyết định giải thể công ty theo trình tự và thủ tục do Chính phủ qui định.
Các trường hợp xem xét giải thể
Công ty nhà nước bị xem xét giải thể trong các trường hợp sau đây:
- Hết thời hạn hoạt động ghi trong quyết định thành lập mà công ty không xin gia hạn
Khi kí quyết định thành lập công ty, người kí có quyền xác định thời hạn hoạt động của công ty. Hết thời hạn hoạt động mà công ty không xin gia hạn thì công ty sẽ phải giải thể;
- Công ty kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản
Về nguyên tắc, Nhà nước thành lập ra công ty nhà nước để kinh doanh nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế của mình, nhưng nếu công ty kinh doanh thua lỗ thì mục đích thành lập công ty không đạt được nên cần phải giải thể công ty.
Trường hợp công ty lâm vào tình trạng phá sản thì sẽ giải quyết theo Luật Phá sản;
- Công ty không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết
Công ty nhà nước là doanh nghiệp của Nhà nước, vì vật mà nó phải thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao để đạt được mục tiêu kinh tế xã hội nhất định, nhưng nếu công ty không thực hiện được thì công ty cũng không còn lí do tồn tại mà cần phải giải thể;
- Việc tiếp tục duy trì công ty là không cần thiết
Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ duy trì công ty nhà nước ở những ngành, những lĩnh vực cần thiết. Nếu thấy việc duy trì công ty là không cần thiết nữa thì Nhà nước sẽ giải thể công ty.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại, TS. Bùi Ngọc Cường, NXB Giáo dục)