|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gói cứu trợ 2.300 tỉ USD của Tổng thống Trump: Thông qua nhanh, hứa hẹn nhiều nhưng triển khai chậm

16:10 | 09/04/2020
Chia sẻ
Gói kích thích kinh tế trị giá 2.300 tỉ USD nhằm đưa nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 của chính quyền Tổng thống Trump được xem là hành động dúi một đống tiền vào tay người dân và doanh nghiệp mà không màng đến tiểu tiết. Tuy nhiên, người dân đến nay vẫn mỏi mắt mong tiền về.

Do các vướng mắc kĩ thuật và nhiều điểm chưa rõ ràng trong chính sách, quá trình phân bổ gói cứu trợ 2.300 tỉ USD đang ngày càng chậm trễ. Phản ứng rối rắm của chính quyền Tổng thống Trump có thể làm trầm trọng thêm cũng như kéo dài một cuộc suy thoái vốn đã diễn ra với tốc độ kỉ lục.

Reuters đưa tin, các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đang vật lộn để xử lí hết núi hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp cao kỉ lục. Các tập đoàn lớn, bao gồm cả những công ty bị đóng băng hoạt động vì lệnh giãn cách xã hội, vẫn mù tịt về thông tin chi tiết của các khoản vay mà chính quyền liên bang hứa hẹn.

Hàng triệu doanh nghiệp nhỏ đang tuyệt vọng xoay xở tiền mặt, trong khi hệ thống ngân hàng chưa thể sắp xếp thời gian để soạn thảo giấy tờ phù hợp cho chương trình cho vay.

Sau khi nhanh chóng quăng ra một bệ đỡ cho phần lớn hệ thống tài chính và các tập đoàn Mỹ thông qua giao dịch mua trái phiếu không giới hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa hoàn thành chương trình cho vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cơ quan này từng hứa hẹn.

Tồi tệ hơn, một số doanh nghiệp cảnh báo rằng gói cứu trợ 2.300 tỉ USD được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối tháng trước gần như là không đủ.

Mỗi ngày trôi qua mà tiền cứu trợ chưa đến tay người dân là "lại thêm một cú đấm không đáng có đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp nước Mỹ", ông Gregory Daco - nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics, nhận định.

Gói cứu trợ 2.300 tỉ USD của Tổng thống Trump: Thông qua nhanh, hứa hẹn nhiều nhưng triển khai chậm - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump tổ chức buổi lễ kí phê duyệt gói cứu trợ 2.300 tỉ USD tại Nhà Trắng hôm 27/3. (Ảnh: Reuters)

Thông qua nhanh, triển khai chậm

Đạo luật Hỗ trợ và An ninh Kinh tế trong đại dịch COVID-19 (CARES) trị giá 2.300 tỉ USD được nhanh chóng thông qua vào ngày 27/3 nhằm bù đắp phần nào lương của người lao động và doanh thu của doanh nghiệp bị mất khi buộc phải ở yên trong nhà nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.

Theo Reuters, đó là một khoảnh khắc hiếm hoi mà lưỡng đảng ở Washington gần như nhất trí rằng đây không phải lúc tranh luận triết học về rủi ro đạo đức, kích thích sai chỗ hay nguy cơ nợ công mà là để phát tiền đến tay người dân trước khi họ phá sản hoặc thiếu ăn.

Số ca nhiễm COVID-19 trên khắp nước Mỹ càng tăng, mọi người càng lo ngại về việc nếu không có bệ đỡ lớn hơn từ chính phủ, doanh nghiệp sẽ kinh doanh sa sút và các hộ gia đình sẽ vỡ nợ ở một qui mô có thể khiến hệ thống tài chính sụp đổ theo.

Nền kinh tế Mỹ từng được dự báo sẽ suy thoái theo hình "chữ V", tức sụt giảm sâu nhưng phục hồi nhanh và mạnh, nhưng sự chậm trễ trong phân bổ gói cứu trợ có thể gây ra nhiều vấn đề mang tính hệ thống và kéo dài hơn.

Tuy nhiên, lí thuyết khác xa thực hành.

Các tiểu bang đang gặp khó với lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao kỉ lục, tăng vọt từ khoảng vài trăm nghìn mỗi tuần trong thời kì tỉ lệ thất nghiệp siêu thấp lên hàng triệu hồ sơ một lúc.

Hơn 50% tiểu bang tại Mỹ, trong đó có California, New York và Pennsylvania, vẫn đang phải làm việc trên hệ thống máy tính lớn (mainframe) dựa trên ngôn ngữ lập trình COBOL lần đầu được giới thiệu vào năm 1959. Hệ thống máy tính này đã được sử dụng qua hàng thập kỉ.

Gói cứu trợ 2.300 tỉ USD của Tổng thống Trump: Thông qua nhanh, hứa hẹn nhiều nhưng triển khai chậm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin từng phát biểu: "Từ 3/4, các doanh nghiệp nhỏ có thể đi thẳng vào ngân hàng và nhận tiền". (Ảnh: Reuters)

Nỗ lực gia tăng lợi ích cho nền kinh tế gig - yếu tố quan trọng trong gói cứu trợ 2.300 tỉ USD, chưa được giải thích rõ trên trang web liên quan đến vấn đề thất nghiệp của các bang.

Khung thời gian cho gói hỗ trợ tài chính cá nhân, trong đó mỗi người dân có thể nhận đến 1.200 USD tiền mặt, cũng chưa rõ ràng.

Các tập đoàn lớn, bao gồm nhiều hãng hàng không trong diện được hưởng các khoản vay trực tiếp từ gói cứu trợ nghìn tỉ USD vẫn đang chờ đợi hướng dẫn chi tiết từ Bộ Tài chính Mỹ về cách thức và thời điểm nhận khoản vay.

Đáng lo ngại nhất có lẽ là hàng triệu nhà hàng, hãng sản xuất và nhiều ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ thường được xem là trụ cột của nền kinh tế Mỹ, vì lời hứa nhanh chóng phát tiền cho người dân và miễn hoàn trả khoản vay chưa thành hiện thực.

Khi Chương trình Bảo vệ Tiền lương trị giá 350 tỉ USD được công bố tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin cho biết từ ngày 3/4, các doanh nghiệp nhỏ có thể "đi thẳng vào ngân hàng và nhận tiền".

Tuy nhiên, các ngân hàng lại phàn nàn về thông tin trái chiều hoặc không đầy đủ từ Bộ Tài chính Mỹ và Cơ quan Quản lí Doanh nghiệp Nhỏ (SBA). Doanh nghiệp nói rằng ngân hàng không đáp ứng hoặc hạn chế cơ hội tiếp cận khoản vay đối với các khách hàng hiện tại.

"Đây là một mớ hỗn độn", một quản lí ngân hàng doanh nghiệp tại vùng Trung Tây nước Mỹ chia sẻ với Reuters.

Việc triển khai gói cứu trợ chắp vá đến mức Fed phải hành động vào ngày 6/4 bằng cách đề nghị hệ thống ngân hàng đưa các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ vào một chương trình mới.

Ngay cả việc phát tiền mặt cứu trợ khẩn cấp cũng chậm chạp. Người dân nộp đơn vào chương trình cho vay hỗ trợ thiên tai của SBA hôm 30/3 có thể đăng kí để được tạm ứng 10.000 USD trong ba ngày. Hơn một tuần sau, một số người đi vay chia sẻ với Reuters rằng họ chưa nhận được tiền.

SBA hiện không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters. Ngày 7/4, ông Mnuchin đã yêu cầu Quốc hội chi thêm 250 tỉ USD cho chương trình trên vì nhu cầu của các doanh nghiệp là rất lớn.

Hầu hết các quan chức trong chính quyền ông Trump đều đã thừa nhận có trục trặc trong quá trình triển khai nhưng khẳng định họ sẽ hoàn thành mục tiêu của gói cứu trợ: giúp đỡ người dân và doanh nghiệp trước khi hóa đơn tiền nhà, thực phẩm và trái phiếu đến hạn.

"Tôi có thể đảm bảo, Tổng thống Trump đã chỉ đạo chúng tôi nhanh chóng phân bổ số tiền này vào nền kinh tế", ông Mnuchin cho hay trên Fox Business ngày 7/4.

Dưới áp lực từ công chúng về phản ứng chậm chạp của chính phủ trước đại dịch COVID-19 và cuộc bỏ phiếu tổng thống vào tháng 11, ông Trump đã bác bỏ các vấn đề. Hôm 4/4, ông Trump nói ông không hay biết về bất kì trục trặc nào trong chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và đã chỉ trích một phóng viên hỏi câu đó.

"Thật sai lầm. Chính phủ Mỹ còn triển khai gói cứu trợ nhanh hơn dự kiến", ông Trump nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.