|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sau ba gói cứu trợ trị giá 2.100 tỉ USD, quốc hội Mỹ chuẩn bị thêm gói thứ 4 để đối phó với COVID-19

14:50 | 31/03/2020
Chia sẻ
Chỉ vài ngày sau khi thông qua gói cứu trợ 2.000 tỉ USD, Quốc hội Mỹ tiếp tục xem xét những biện pháp hỗ trợ kinh tế bổ sung khi số ca xác nhận nhiễm COVID-19 và tử vong của nước này gia tăng nhanh chóng.
Quốc hội Mỹ cân nhắc các biện pháp mới để đối phó với COVID-19 - Ảnh 1.

Tòa nhà Quốc hội của Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ đang bàn bạc để tăng các khoản trợ cấp dành cho người lao động có thu nhập thấp và trung bình. Họ là những người có khả năng sẽ phải chịu tổn thương lớn nhất từ tác động kinh tế của COVID-19, trong bối cảnh hàng loạt các công ty phải sa thải hoặc cho nhân viên tạm nghỉ việc do việc kinh doanh bị gián đoạn.

Ngoài ra, Đảng Dân chủ cũng đang tìm cách để người dân Mỹ không phải tự chi trả phí điều trị COVID-19.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ) cho biết bà sẽ làm việc với Đảng Cộng hòa để soạn thảo một dự luật mới để trợ giúp thêm cho những nhân viên y tế và chính phủ trong "tuyến đầu" chống dịch COVID-19. 

Dự luật mới cũng sẽ cung cấp thêm sự hỗ trợ cho chính quyền các bang và địa phương để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Mỹ hiện đã có hơn 164.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 3.100 người chết vì COVID-19. Đại dịch này đã lan ra tất cả 50 bang và nhiều thành phố tại Mỹ, buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến hàng triệu người lâm vào tình cảnh thất nghiệp.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hạ viện Pelosi, nhiều khả năng dự luật này sẽ chỉ được hoàn thành sau ngày Lễ Phục sinh 12/4.

Phát biểu với báo giới, bà Pelosi tuyên bố: "Chúng ta phải làm nhiều hơn để hỗ trợ cho những người đang giúp đỡ nước Mỹ". Bà cũng nói thêm rằng sự chậm trễ trong việc sản xuất máy thở và thiết bị bảo hộ y tế "sẽ gây ra hàng triệu cái chết không đáng có".

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng báo hiệu rằng họ có thể sẽ xin Quốc hội chấp thuận để tài trợ cho một chương trình cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Điều này có thể sẽ mở ra cơ hội cho các cuộc thảo luận về những biện pháp mà Đảng Dân chủ muốn áp dụng. Dù các thành viên Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện đã bỏ qua một số yêu cầu của Đảng Dân chủ khi soạn thảo dự luật trị giá 2.000 tỉ USD Tổng thống Trump kí ban hành tuần trước, các ý kiến của Đảng Dân chủ có thể thu hút thêm nhiều sự ủng hộ nếu diễn biến dịch bệnh ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

"Hỗ trợ giai đoạn 4"

Tính từ đầu tháng 3, Mỹ đã thông qua ba gói cứu trợ phòng chống COVID-19.

Gói đầu tiên có qui mô 8,3 tỉ USD, dành cho hoạt động phòng ngừa dịch bệnh và nghiên cứu vắc xin.

Gói thứ hai có trị giá khoảng 100 tỉ USD được dùng để xét nghiệm miễn phí cho người dân, cho người lao động thêm ngày nghỉ có lương, trợ cấp thất nghiệp và một số hỗ trợ thực phẩm – y tế khác.

Gói thứ ba có qui mô tối đa 2.000 tỉ USD được Tổng thống Trump kí ban hành ngày 27/3, bao gồm nhiều nội dung như phát tiền trực tiếp cho người dân, tăng mức trợ cấp và mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19, cấp thêm ngân sách cho các bệnh viện ...

Ông Kevin McCarthy, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện (Đảng Cộng Hòa) nói rằng ông không chắc liệu có cần phải bổ sung thêm một gói cứu trợ thứ 4 không, khi mà tổng giá trị ba gói cứu trợ mà Quốc hội thông qua đã vượt quá 2.100 tỉ USD.

Tuy vậy một trợ lí của Ủy ban Phân bổ Ngân sách của Hạ viện nói rằng các lãnh đạo thuộc Đảng Dân chủ đang trong giai đoạn đầu của dự luật cứu trợ "giai đoạn 4".

Các ý tưởng khác đang được đưa ra bao gồm triển khai giai đoạn đăng kí đặc biệt của Đạo luật chăm sóc sức khoẻ hợp túi tiền (hay còn gọi là Obamacare), đề ra các biện pháp để giảm phí bảo hiểm y tế, cũng như cung cấp hỗ trợ tài chính để giúp người lao động bị thôi việc có thể chi trả bảo hiểm y tế tạm thời.

Đảng Dân chủ cũng đã nói về sự cần thiết phải nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các hệ thống viễn thông, điện và nước. Đảng Dân chủ cho biết các thiếu sót ngày càng trở nên gay gắt trong tình hình dịch COVID-19 hoành hành, ví dụ như học sinh sinh viên tại một số vùng không thể truy cập vào Internet để tham gia các lớp học trực tuyến.

Quốc hội Mỹ đang cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, ngay cả khi các hoạt động bình thường của cơ quan này đang bị gián đoạn. Hầu hết các nhà lập pháp đều được khuyên nên ở yên tại bang của họ. Cả Hạ viện và Thượng viện đều đang tạm dừng các cuộc họp cho đến ít nhất là ngày 20/4.

Ít nhất hai hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ đã được xét nghiệm dương tính với COVID-19.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.