|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khổ sở vì đại dịch, hàng không Mỹ vẫn coi gói hỗ trợ 61 tỉ USD như liều thuốc độc

17:05 | 03/04/2020
Chia sẻ
Công đoàn đại diện cho các tiếp viên hàng không tại Mỹ mới đây đã cảnh báo các điều kiện đi kèm với gói hỗ trợ 61 tỉ USD mà quốc hội và chính phủ Mỹ mới thông qua là quá hà khắc, khiến cho các hãng hàng không có xu hướng sa thải nhân sự thay vì nhận hỗ trợ của chính phủ để duy trì lực lượng lao động.
Khổ sở vì đại dịch, hàng không Mỹ vẫn coi gói hỗ trợ 61 tỉ USD như liều thuốc độc, chưa ai chịu uống - Ảnh 1.

Tiếp viên hãng American Airlines đang phục vụ hành khách. Ảnh: Getty Images.

Tuần trước Quốc hội Mỹ đã thông qua và Tổng thống Donald Trump đã kí ban hành đạo luật giải cứu kinh tế trị giá hơn 2.000 tỉ USD bao gồm nhiều điều khoản như phát tiền trực tiếp 1.200 USD cho mỗi người dân, tăng bảo hiểm thất nghiệp, cho vay doanh nghiệp, …

Riêng các hãng hàng không chở khách được phát cho 25 tỉ USD, các hãng hàng không chở hàng được cho 4 tỉ USD, các hãng dịch vụ hàng không (phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn, …) được cho 3 tỉ USD. Tuy nhiên số tiền này chỉ được dùng để trả lương và phúc lợi cho người lao động từ nay đến 30/9.

Quốc hội và chính phủ Mỹ cũng dành ra 25 tỉ USD khác để cho vay và 4 tỉ USD để bảo lãnh các khoản vay của ngành hàng không. Tổng giá trị các khoản hỗ trợ này là 61 tỉ USD.

Ngoài ra, Mỹ còn dành ra 17 tỉ USD để cho vay những doanh nghiệp "có vai trò thiết yếu với an ninh quốc phòng". Nhiều khả năng hãng chế tạo tàu bay Boeing sẽ được nhận khoản vay này do Boeing sản xuất nhiều máy bay cho quân đội Mỹ.

Đổi lại, chính phủ Mỹ muốn được nhận chứng quyền, quyền chọn cổ phiếu, cổ phiếu ưu đãi hoặc các loại chứng khoán khác từ các hãng hàng không, Bộ Tài chính Mỹ mới cho biết.

Ngoài ra, các hãng hàng không nhận hỗ trợ của chính phủ sẽ phải tạm thời không được phép trả cổ tức tiền mặt, không mua lại cổ phiếu quĩ và không tăng lương cho ban lãnh đạo.

Lãnh đạo các hãng hàng không từng cảnh báo sẽ phải sa thải lao động nếu không sớm được hỗ trợ để chống lại những thiệt hại ghê gớm mà đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa gây ra. Tuy nhiên những điều kiện ngặt nghèo mà chính phủ đặt ra có thể khiến cho nhiều hãng chọn cho nhân viên nghỉ việc thay vì nhận hỗ trợ.

Các tổ chức công đoàn đại diện cho 94.000 tiếp viên hàng không, bao gồm cả các hãng lớn như American, United hay Southwest Airlines, đã gửi một bức thư đến Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết nhiều nhân viên hàng không có thể sẽ mất việc vì các hãng không muốn nhận gói giải cứu của chính phủ để trả lương.

"Các điều kiện đi kèm khiến cho khoản tiền hỗ trợ để trả lương nhân viên trông giống như một viên thuốc độc. Các hãng hàng không sẽ chọn sa thải nhân viên, lúc đó chúng tôi sẽ thất nghiệp và phải xin trợ cấp từ tiền thuế của dân – đi ngược lại mục đích ban đầu của gói giải cứu", bức thư của công đoàn tiếp viên có đoạn viết.

Mỹ hiện nay đang dẫn đầu thế giới về số ca xác nhận nhiễm COVID-19 với 246.000 trường hợp. Số ca tử vong tại Mỹ là hơn 6.000, đứng thứ ba thế giới.

Mọi chuyến bay nối Mỹ với châu Âu đã bị chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu dừng khai thác khi châu Âu nổi lên là điểm nóng mới của đại dịch COVID-19 hồi đầu tháng 3.

Các chuyến bay nói chung đều rất vắng vẻ do yêu cầu giãn cách xã hội (social distancing) của các cơ quan y tế và người dân tránh đến những nơi tập trung đông người như sân bay, tàu bay.

Các hãng hàng không đã cắt giảm khoảng 50-90% số đường bay. Mới đây nhất American Airlines cho biết hãng đang có kế hoạch giảm số chuyến bay quốc tế khoảng 60% vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Khổ sở vì đại dịch, hàng không Mỹ vẫn coi gói hỗ trợ 61 tỉ USD như liều thuốc độc, chưa ai chịu uống - Ảnh 2.

Tàu bay American Airlines nằm đất hàng loạt vì COVID-19, Tulsa bang Oklahoma. Ảnh: Reuters.

Ông Vasu Jaja, Phó Giám đốc cao cấp phụ trách chiến lược mạng bay của American Airlines trao đổi với CNBC: "Nếu chúng tôi có thể giảm tải cung cấp trong mùa hè này, chúng tôi sẽ có thể cắt giảm chi phí".

Các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giảm tới 80% so với mùa hè 2019. Các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và khu vực Nam Mỹ cũng sẽ giảm 48-65%.

CEO Delta Air Lines Ed Bastian tuần trước cho biết khoảng 1/4 trong số 91.000 lao động tại Atlanta của hãng hàng không này đã tình nguyện nghỉ không lương tuy nhiên Delta cần nhiều người phải nghỉ hơn nữa.

Hàng trăm tàu bay của các hãng đang phải nằm đắp chiếu, phát sinh chi phí đậu ở sân bay.

Bà Sara Nelson – Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Mỹ đại diện cho khoảng 50.000 lao động trong ngành, nói: "Đối với một khoản trợ cấp giáo dục, giá trị nằm ở người học sinh đóng góp những kiến thức học được cho xã hội. Đối với trợ cấp cho ngành hàng không, giá trị đạt được là một ngành hàng không hoạt động bình thường, không có sa thải, 2 triệu người vẫn có việc làm và tiếp tục đóng thuế".

Bà chỉ trích gói giải cứu của chính phủ Mỹ: "Đây là một trò lừa chứ không phải trợ cấp, một sự đổi trắng thay đen".

Đại gia trong ngành chế tạo máy bay là Boeing cũng tỏ ra không mấy mặn mà với gói giải cứu kinh tế mới được ban hành.

Hôm 24/3, CEO David Calhoun tuyên bố rằng Boeing thà nhận tài trợ từ khu vực tư nhân còn hơn là để chính phủ nắm giữ cổ phần. Ông khẳng định: "Nếu Boeing phải để cho chính phủ nắm giữ cổ phần thì mới được cứu trợ, chúng tôi sẽ xem xét những lựa chọn khác, và chúng tôi có rất nhiều lựa chọn".

Ông Calhoun cho biết Boeing có 15 tỉ USD tiền mặt, và có thể vay khoảng 9,6 tỉ USD từ các nguồn khác.

Hôm 27/3, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin khi trả lời hãng tin Fox Business đã nói: "Hiện tại, Boeing nói rằng họ không cần hỗ trợ từ chính phủ. Tôi rất vui mừng vì Boeing nghĩ họ có thể tự giải quyết vấn đề - đó chính là những gì chúng tôi muốn họ làm".

Song Ngọc