|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đường bay thẳng Việt - Mỹ: Tiềm năng khổng lồ, nhu cầu thực sự chỉ tí hon?

07:49 | 19/08/2019
Chia sẻ
Một trong những công việc cần làm nhất trước khi mở đường bay là xác định đúng nhu cầu. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển, số người Việt tại Mỹ ngày càng đông cho thấy nhu cầu đi lại giữa hai nước đang tăng lên, tuy nhiên nhu cầu này có thể là chưa đủ cho một đường bay thẳng.

Đường bay thẳng Việt - Mỹ phục vụ bao nhiêu người?

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Pew (Pew Research Institute) năm 2015 có xấp xỉ 2 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ, tăng gần 14% so với 5 năm trước đó. Tỉ lệ người Việt trong diện hộ nghèo giai đoạn 2013-2015 là 14,3%.

Năm 2015, riêng 10 thành phố lớn có tổng cộng hơn 1 triệu người Việt sinh sống, chiếm trên 50% tổng số người Việt trên đất Mỹ. Người Việt tập trung nhiều nhất tại Los Angeles (313.000 người), San Jose (139.000), Houston (120.000), Dallas (85.000), San Francisco (78.000), …

Vietnamese metropolitan

Top 10 thành phố có nhiều người Việt sinh sống nhất năm 2015. Nguồn: Pew Research.

Hãng hàng không Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC đang nghiên cứu các đường bay thẳng từ Hà Nội và TP HCM đến các thành phố bờ Tây nước Mỹ như Los Angeles, San Francisco và Seattle. 

Tổng số người Việt tại ba thành phố này năm 2015 là 458.000 người, chiếm khoảng 23% toàn nước Mỹ.

Nếu Bamboo Airways mở đường bay thẳng như kế hoạch, những người sinh sống tại các thành phố này có thể di chuyển giữa Mỹ và Việt Nam thuận tiện hơn trước rất nhiều do không phải nối chuyến.

Nhưng còn người Mỹ ở các thành phố khác thì sao? San Jose và San Francisco cùng ở bang California, cách nhau chưa đến 100 km và do vậy hành khách có thể di chuyển bằng ô tô giữa hai thành phố khi muốn bay thẳng.

Tuy nhiên hai thành phố có rất đông người Việt sinh sống khác là Houston và Dallas lại nằm ở bang Texas, cách Los Angeles và San Francisco khoảng 2.000 km. Khoảng cách từ Texas đến Seattle còn xa hơn nữa.

Các hành khách ở Dallas hoặc Houston sẽ phải bắt chuyến bay từ các thành phố này đến Los Angeles/San Francisco rồi mới có thể bay thẳng về Việt Nam.

Hiện nay hành khách ở Houston có thể bay nối chuyến về tới Hà Nội với một điểm dừng tại sân bay Đào Viên (Đài Loan), từ Dallas có thể bay nối chuyến về TP Hồ Chí Minh với một điểm dừng tại sân bay Narita (Nhật Bản), … 

Như vậy nếu xét theo tiêu chí số điểm dừng, đường bay thẳng từ Los Angeles và San Francisco về Việt Nam không tạo ra khác biệt gì cho các hành khách ở Houston và Dallas. Do đó, đường bay thẳng giữa Việt Nam và Los Angeles, San Francisco sẽ chỉ có ý nghĩa với một bộ phận nhỏ người Việt sống quanh hai thành phố này.

(Hành khách ở San Jose nếu không muốn đi ô tô đến San Francisco rồi bay thẳng cũng có thể bay nối chuyến từ San Jose qua sân bay Narita về TP HCM.)

Bay thẳng không "xóa sổ" được bay nối chuyến

Năm 2018, dung lượng thị trường hàng không Việt Nam - Mỹ đạt 757.000 lượt khách. Ngoài nhu cầu của người Việt tại Mỹ, một số người Mỹ cũng muốn bay tới Việt Nam vì mục đích công việc, nghỉ mát, thăm chiến trường xưa, …

Việc lựa chọn hãng bay nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài số điểm dừng còn phải kể đến giá cả, chất lượng dịch vụ (thái độ nhân viên, đúng giờ, …) hay có khi là quốc tịch của hãng hàng không.

Chẳng hạn, các hãng bay của Australia chỉ vận hành ba đường bay tới Trung Quốc đại lục là: Sydney – Bắc Kinh, Sydney – Thượng Hải và Melbourne – Trịnh Châu. Trong khi đó các hãng hàng không Trung Quốc vận hành tới 43 đường bay đến Australia.

Có sự chênh lệch "một trời một vực" này là bởi số lượng người Trung Quốc muốn đến Australia lớn hơn số người Australia muốn đến Trung Quốc và khi lựa chọn, người Trung Quốc thích đi các hãng hàng không nước nhà hơn là hãng nước ngoài (vì vấn đề ngôn ngữ, cảm giác quen thuộc, …).

Chính vì quyết định của hành khách phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ là số điểm dừng nên khó có chuyện khi một hãng mở đường bay thẳng là hành khách sẽ đồng loạt bỏ bay nối chuyến.

Một trong những rào cản ngăn hành khách bay thẳng là giá vé bay thẳng thường cao hơn nhiều so với bay nối chuyến, vì hai lí do:

Thứ nhất, bay nối chuyến cho phép hãng hàng không "gom" khách từ nhiều nơi và do đó tăng tỉ lệ lấp đầy ghế, chi phí chuyến bay được chia ra nhiều hành khách hơn.

Như ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways nhận xét: Dân số Singapore chỉ 5,8 triệu người nhưng hãng hàng không của họ thường xuyên bay thẳng sang Mỹ được là vì họ "gom" khách từ rất nhiều nước trong đó có Việt Nam, …

Thứ hai, bay thẳng tiêu tốn nhiên liệu hơn nhiều so với bay nối chuyến. 

Điều này nghe có vẻ vô lí vì cất cánh là công đoạn tiêu tốn nhiều nhiên liệu nhất của chuyến bay, và khi nối chuyến thì máy bay phải cất cánh tới hai lần còn bay thẳng chỉ cất cánh một lần.

Nguyên nhân ở đây là bản thân việc mang nhiều nhiên liệu đủ cho một chuyến bay thẳng cũng làm tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

Theo thống kê của Continental Airlines, một chiếc Boeing 777 khi bay 800 hải lí (1.480 km) sẽ tiêu thụ khoảng 30 pounds (14,6 kg) nhiên liệu trên mỗi hải lí. Nếu khoảng cách tăng từ trên 800 đến khoảng 3.000 hải lí, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình liên tục giảm xuống.

Tuy nhiên nếu khoảng cách bay lớn hơn khoảng 3.000 hải lí, máy bay sẽ phải mang theo một khối lượng nhiên liệu ban đầu rất lớn. Động cơ máy bay sẽ phải tiêu tốn nhiên liệu để chở theo số nhiên liệu này và mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của cả chuyến bay sẽ tăng lên.

fuel burn

Mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình theo khoảng cách chuyến bay của một chiếc Boeing 777 tải trọng hạ cánh (landing weight) 181 tấn. Đơn vị 1 pound/hải lí = 0,245 kg/km.

Khi nối chuyến, máy bay có thể chỉ cần mang theo một lượng nhiên liệu tối ưu đủ cho 3.000 hải lí rồi tiếp nhiên liệu tại điểm dừng, nhờ đó mà giảm được chi phí cũng như giá vé.

Vì vậy mà các hãng bay chở hàng thường lựa chọn bay nối chuyến khi cần di chuyển đường dài để tiết kiệm chi phí nhiên liệu (các kiện hàng sẵn lòng ngồi đợi ở sân bay mà không kêu ca như hành khách).

Khoảng cách giữa Los Angeles và TP HCM là hơn 8.100 hải lí (gần 15.100 km) và do vậy, bay nối chuyến chắc chắn sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn so với bay thẳng.

Thực tế là một số cặp địa danh có đường bay thẳng nhưng vì nhiều lí do khác nhau, hành khách vẫn lựa chọn bay nối chuyến.

Theo tổ chức phân tích dữ liệu hàng không OAG, khi vẫn có hành khách phải bay nối chuyến giữa hai thành phố A và B thì chặng bay giữa A và B được coi là chưa được phục vụ hết nhu cầu (underserved). 

Nếu giữa A và B chưa có đường bay thẳng thì đây là đường bay hoàn toàn chưa được phục vụ (unserved).

Các chặng bay underservedunserved chính là những cơ hội cho các hãng hàng không nắm bắt và mở đường bay thẳng để đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Theo thống kê của OAG, năm 2015 có khoảng 203.000 lượt hành khách bay nối chuyến giữa Los Angeles và TP HCM; khoảng 127.000 lượt hành khách bay nối chuyến giữa San Francisco và TP HCM. Đây đều là các thị trường hoàn toàn chưa được phục vụ (unserved) do chưa có đường bay thẳng.

underserved

Trong top 50 đường bay chưa được phục vụ hết nhu cầu năm 2015 theo đánh giá của OAG hoàn toàn không có tên Hà Nội hay Seattle. Số liệu: OAG.com.

Tuy nhiên phải kể đến một số chặng đã có đường bay thẳng nhưng nhiều hành khách vẫn lựa chọn bay nối chuyến. 

Chẳng hạn chặng Jarkarta (Indonesia) – Jeddah (Saudi Arabia) là thị trường còn dư nhiều nhu cầu nhất thế giới năm 2015 với 280.000 lượt khách phải bay với một điểm dừng. Thị trường tiềm năng thứ hai là chặng giữa sân bay JFK của thành phố New York với Tel Aviv (Israel) với 239.000 khách đang lựa chọn bay một điểm dừng thay vì bay thẳng.

Đáng chú ý hơn, chặng Bangkok và Paris đã có đường bay thẳng nhưng số khách bay nối chuyến còn lớn hơn số khách bay thẳng (239.000 > 154.000). Một số chặng bay khác có số khách bay nối chuyến lớn hơn bay thẳng như Jeddah – Manila (181.000 > 77.000), Bangkok – Los Angeles (176.000 > 17.000) hay Delhi – San Francisco (165.000 > 854), …

Tháng 10/2017, United Airlines mở đường bay thẳng (non-stop) nối Los Angeles và Singapore với rất nhiều kì vọng vì đây là đường bay dài nhất trong lịch sử hoạt động của hãng, đường bay thẳng duy nhất nối hai thành phố khi đó, hai thành phố đều là các trung tâm thương mại sầm uất, ...

Tuy nhiên tròn một năm sau ngày ra mắt, đường bay này bị đóng cửa vì United Airlines không thể nào cạnh tranh nổi với giá vé siêu rẻ của các đường bay nối chuyến.

Song Ngọc - Đức Quyền