|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hàng không thế giới chao đảo vì dịch bệnh, nhà đầu tư mất ăn mất ngủ chờ ngày giải cứu

11:30 | 18/03/2020
Chia sẻ
Kinh doanh chật vật vì đại dịch COVID-19, giá cổ phiếu lao dốc làm nhà đầu tư thua lỗ nặng nề - đó là câu chuyện buồn chung của gần như tất cả các hãng bay trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính lúc này đây, các hãng hàng không rất cần có sự hỗ trợ để vượt qua những khó khăn trước mắt.
Hàng không thiệt hại vì dịch bệnh, nhà đầu tư cũng mất ăn mất ngủ - Ảnh 1.

Cổ phiếu hàng không xuống dốc khi đại dịch COVID-19 leo thang

Trong một tháng tính đến hết phiên 16/3, chỉ số các cổ phiếu hàng không toàn cầu NYSE ARCA Global Airline Index đã sụt hơn 44%. Tại Việt Nam, cổ phiếu hai hãng hàng không lớn nhất là HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet Air từ đầu năm tới nay cũng giảm từ 30 đến 40%. Tổng vốn hóa của hai mã cổ phiếu này cũng theo đó mà bay hơi 42.000 tỉ đồng.

 Giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet Air tụt dốc

Giá các cổ phiếu hàng không đồng loạt giảm sâu trong phiên giao dịch khai xuân Canh Tý 30/1 sau khi nhiều thông tin đáng ngại về tình hình dịch COVID-19 xuất hiện trong kì nghỉ Tết Âm lịch.

Ngày 25/1 (tức Mùng 1 Tết), Vietnam Airlines và Jetstar Pacific ra thông báo cho biết hai hãng chấp nhận miễn phí hoàn vé máy bay, phí thay đổi hành trình, ngày bay cho hành khách đến hoặc đi từ các địa điểm thuộc Trung Quốc đại lục do tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Các thành viên phi hành đoàn cũng bắt đầu đeo khẩu trang trên mọi chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Ngày 1/2, Cục Hàng không Việt Nam ra thông báo về việc dừng mọi chuyến bay với Trung Quốc đại lục – thị trường khách nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc tạm lắng dịu thì COVID-19 lại bùng lên ở Hàn Quốc. Đầu tháng 3, các hãng hàng không Việt Nam từ Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietnam Airlines lại dừng các chuyến bay với xứ sở kim chi – thị trường khách du lịch lớn thứ hai của Việt Nam.

Đến khi Hàn Quốc tạm yên, dịch bệnh lại lây lan nhanh ở châu Âu. Tuy chưa có quyết định cấm bay với châu Âu nhưng số chuyến đã bị giảm đáng kể và điều kiện nhập cảnh cũng bị thắt chặt.

Những cú đánh liên tiếp của đại dịch COVID-19 vào ngành hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã khiến cho các hãng bay thiệt hại nặng nề.

Đầu tháng 2, Cục Hàng không Việt Nam ước tính các hãng hàng không trong nước hụt thu khoảng 10.000 tỉ đồng. Đến ngày 27/2, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết con số thiệt hại ước tính đã lên thành 25.000 tỉ đồng. Con số mới được được các hãng hàng không gửi đến Kế hoạch đầu tư và Bộ Giao Thông Vận Tải cho biết thiệt hại là hơn 30.000 tỉ đồng do việc dừng bay. 

Không những phải dừng khai thác nhiều đường bay quốc tế, nhiều đường bay trong nước cũng trở nên vắng lặng lạ thường do người dân ngại đến những nơi tụ tập đông người như sân bay, máy bay để tránh lây nhiễm bệnh.

Từ đêm 6/3 đến nay, Việt Nam liên tiếp công bố hàng chục ca bệnh mới, nâng số người dương tính với COVID-19 từ 16 lên 66. Nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh tay mới được áp dụng, các chuyến bay lại càng thêm vắng vẻ so với hồi tháng 2.

Ngành hàng không thế giới chao đảo

Ngày 20/2, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) ước tính hàng không thế giới có thể tuột mất 29,3 tỉ USD doanh thu vì COVID-19. Giả định được đặt ra khi đó là tác động tiêu cực chủ yếu đến từ các thị trường liên quan tới Trung Quốc. Riêng các hãng bay Trung Quốc được dự báo mất 12,8 tỉ USD.

Tuy nhiên, đến ngày 5/3 vừa qua, khi dịch COVID-19 đã vượt ra xa biên giới Trung Quốc, IATA phải điều chỉnh ước tính tổn thất lên khoảng 63 tỉ USD (trong kịch bản tác động hạn chế) hoặc 113 tỉ USD (nếu ảnh hưởng của dịch lan rộng hơn).

Thị trường hàng không

Ảnh hưởng tới lượt khách

Thiệt hại doanh thu

Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam

-23%

-49,7 tỉ USD

Khu vực còn lại của châu Á – Thái Bình Dương

-9%

-7,6 tỉ USD

Áo, Pháp, Italy, Đức, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Vương quốc Anh

-24%

-37,3 tỉ USD

Khu vực còn lại của châu Âu

-9%

-6,6 tỉ USD

Bahrain, Iraq, Iran, Kuwait, Lebanon, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất

-23%

-4,9 tỉ USD

Khu vực còn lại của Trung Đông

-9%

-2,3 tỉ USD

Canada và Mỹ

-10%

-21,1 tỉ USD

(Tổng thiệt hại của các khu vực nói trên không bằng 113 tỉ USD do đôi khi doanh thu bị tính trùng cho cả điểm đến và điểm đi. Nguồn: IATA).

Khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh cấm di chuyển từ châu Âu tới Mỹ đã gây ra những lo ngại sâu sắc đối với ngành hàng không quốc tế. Trong phiên giao dịch đầu tuần 16/3, cổ phiếu hai hãng hàng không lớn là Delta Air Lines và American Airlines có lúc lao dốc lần lượt 19% và 16%.

Trong những phiên trước đó, giá nhiều cổ phiếu hàng không đã cắm đầu giảm mạnh khi các hãng liên tục cắt giảm chuyến bay vì nhu cầu đi lại quá thấp trong thời dịch bệnh. Ngay cả tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại cũng không tránh khỏi mất mát.

Theo thống kê của Forbes, trong vòng một tháng tính đến hết phiên 12/3, giá trị khoản đầu tư của Berkshire vào 4 hãng hàng không Delta, United, Southwest và American Airlines đã bốc hơi mất 3,78 tỉ USD, chỉ còn lại 5,74 tỉ USD.

Biến động giá cổ phiếu 4 hãng hàng không lớn của Mỹ 1 tháng qua

Nhiều nhà đầu tư lớn khác trên thị trường thậm chí còn thiệt hại nặng hơn như quĩ đầu tư Primecap tại California, PAR Capital Management và gã khổng lồ Blackrock.

Những lời kêu cứu

Khổ sở vì dịch bệnh, nhiều hãng hàng không đã phải cầu cứu chính phủ. Tổ chức đại diện các hãng hàng không Mỹ đã lên tiếng đề nghị chính quyền Tổng thống Trump hỗ trợ 58 tỉ USD, trong đó 50 tỉ USD cho các hãng hàng không chở khách và 8 tỉ USD cho các hãng chở hàng hóa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: "Chúng ta sẽ hỗ trợ các hãng hàng không 100%. Chúng ta sẽ giúp đỡ các hãng bay rất nhiều".

Giá một số cổ phiếu hàng không Mỹ nhanh chóng hồi phục sau thông tin này. Cổ phiếu Delta Air Lines kết phiên 16/3 chỉ còn giảm 6,7%, cải thiện so với mức -19% trong phiên. American Airlines thậm chí còn đóng cửa tăng hơn 11%.

Sau phiên giao dịch, ông Trump tiếp tục đăng tweet khích lệ: "Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ nhiều ngành công nghiệp, bao gồm hàng không và nhiều ngành khác nữa, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Tại Việt Nam, trước những thiệt hại nặng nề của các hãng hàng không, từ cuối tháng 2, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đã đề xuất Bộ GTVT sớm báo cáo Chính phủ cho phép ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng như giảm 50% giá cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian dự kiến từ ngày 1/3-31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Đồng thời, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không từ 1/3 đến hết ngày 31/5, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong 3 tháng. Trong trường hợp ngân sách gặp khó khăn, Bộ GTVT đề nghị giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng khuyến nghị nên bỏ qui định yêu cầu các hãng bay phải thực hiện ít nhất 80% số lần cất/hạ cánh (slot) đã được phân bổ hoặc có nguy cơ mất slot. 

Lí do mà IATA đưa ra là lượng khách đi máy bay sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh, nhiều hãng bay vì muốn giữ slot cất/hạ cánh mà phải bay các tàu bay trống trơn, gây lãng phí rất lớn và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên cho đến nay, những đề xuất tháo gỡ nói trên vẫn chỉ dừng lại là những đề xuất, chưa thành hiện thực.

Y Vân - Song Ngọc