Đầu xuân kém vui với Vietnam Airlines: Lợi nhuận quí IV giảm 99%, nhiều đường bay bị dừng, cổ phiếu liên tục đi xuống
Doanh thu giảm, thoát lỗ nhờ bán và thuê lại máy bay
Theo báo cáo tài chính mà Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) công bố mới đây, doanh thu thuần hợp nhất quí IV/2019 đạt 23.083 tỉ đồng, giảm 3,3% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận gộp giảm hơn 43%, xuống còn 1.402 tỉ đồng.
Sau khi tính cả hoạt động tài chính và các loại chi phí bán hàng, quản lí doanh nghiệp, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 134 tỉ đồng. Nhờ có khoản thu nhập khác 212 tỉ đồng mà Vietnam Airlines mới thoát lỗ sau thuế và báo lãi 3,6 tỉ đồng, giảm tới 99,4% so với quí IV/2018.
Lũy kế cả năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần 98.178 tỉ đồng, chỉ tăng 1,4% so với năm trước và không đạt mục tiêu đề ra là 104.593 tỉ đồng dù đây là mục tiêu đã được điều chỉnh giảm từ mức 111.729 tỉ đồng ban đầu.
Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 2.517 tỉ đồng, giảm 3,2% so với năm 2018 và cũng không hoàn thành kế hoạch được Hội đồng quản trị giao phó là 2.680 tỉ đồng.
Trong công văn giải trình, Vietnam Airlines cho biết doanh thu bình quân của hành khách nội địa quí IV/2019 giảm 17,7% còn của hành khách quốc tế giảm 8,1% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế của các công ty con như Vaeco, NCS, NCTS, … cũng suy giảm. Do vậy lợi nhuận hợp nhất của Vietnam Airlines đi xuống rõ rệt.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong quí IV vừa qua Vietnam Airlines ghi nhận 395 tỉ đồng thu nhập khác, trong đó có hơn 200 tỉ đồng thu từ hoạt động bán và thuê lại máy bay. Chính nguồn thu này góp phần giúp Vietnam Airlines có lợi nhuận khác 212 tỉ đồng và thoát lỗ sau thuế.
Tổng tài sản thời điểm cuối năm của Vietnam Airlines là 76.360 tỉ đồng, giảm hơn 6.000 tỉ đồng so với ngày đầu năm 2019, trong đó vốn chủ sở hữu chỉ giảm chưa tới 100 tỉ đồng, còn lại chủ yếu là sự đi xuống của nợ phải trả. Tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản tăng từ 22,7% ngày đầu năm lên mức 24,3% ngày cuối năm.
Đáng chú ý nhất là khoản mục vay và nợ thuê tài chính dài hạn, giảm gần 4.800 tỉ đồng xuống còn 25.428 tỉ đồng ngày cuối năm. Giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng giảm gần 1.800 tỉ đồng. Trên báo cáo kết quả kinh doanh, chi phí lãi vay năm 2019 giảm 156 tỉ đồng so với năm trước.
Dừng mọi đường bay với Trung Quốc đại lục
Dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ đầu tháng 1. Đến nay, loại virus nguy hiểm này đã lây lan cho ít nhất 17.205 người ở 28 quốc gia, đại đa số là ở Trung Quốc. Số ca tử vong hiện đã lên đến 362, trong đó có một ca ở ngoài Trung Quốc.
Việt Nam cũng đã phát hiện 8 trường hợp dương tính với virus corona. Trong số này có 7 người từng đến Vũ Hán thời gian gần đây, một người chưa từng đến Vũ Hán mà chỉ tiếp xúc với hai người nhiễm bệnh, cho thấy virus corona có khả năng lây từ người sang người.
Trong tình hình diễn biến phức tạp của virus corona, chính quyền Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học. Để kiểm soát sự lây lan của virus corona từ Trung Quốc sang Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam chiều 1/2 đã yêu cầu các hãng hàng không lập tức ngừng toàn bộ chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc đại lục.
Một số đường bay khác của Vietnam Airlines cũng bị ảnh hưởng, chẳng hạn tuyến Hà Nội - Hong Kong và Hà Nội - Ma Cao sẽ ngừng hoạt động từ sau ngày 5/2. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific thuộc Vietnam Airlines cũng sẽ chỉ khai thác tuyến Hà Nội - Hong Kong đến hết ngày 5/2.
Vietnam Airlines có tổng cộng 19 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy dịch virus corona bùng phát đã, đang và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, một phần của tác động này đã được thể hiện qua diễn biến giá cổ phiếu những phiên gần đây.
Cổ phiếu Vietnam Airlines giảm sàn hai phiên đầu xuân Canh Tý
Khi dịch bệnh xảy ra, các ngành hàng không và du lịch thường bị thiệt hại nặng nề nhất do người dân sợ lây nhiễm nên ngại đi lại đến nơi đông người.
Trên thị trường chứng khoán quốc tế, các cổ phiếu nghỉ dưỡng - sòng bạc như Las Vegas Sands và Wynn Resorts đồng loạt lao dốc.
Cổ phiếu các hãng hàng không lớn cũng rủ nhau giảm sâu như United, American, Southwest Airlines và Delta Air Lines của Mỹ; China Southern và China Eastern Airlines của Trung Quốc; Thai Airways của Thái Lan; Cathay Pacific của Hong Kong, …
Các cổ phiếu hàng không của Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau kì nghỉ Tết Canh Tý (30/1), cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giảm kịch sàn 6,9%. Trong phiên 31/1, HVN cùng một cổ phiếu hàng không khác là VJC của Vietjet Air cùng giảm sàn.
Bước sang phiên đầu tuần 3/2, HVN tiếp tục giảm sâu 5,1% trong khi VJC giảm 3,6%. Như vậy chỉ sau ba phiên giao dịch, cổ phiếu HVN đã giảm giá 17,7%, tương đương hơn 8.200 tỉ đồng vốn hóa bốc hơi.
Trong báo cáo phân tích mới đây, các công ty chứng khoán VNDirect và SSI đều có chung nhận định: Khi dịch bệnh như viêm phổi do virus corona xảy ra, các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, lưu trú và hàng không khi nhu cầu đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực Châu Á đều giảm mạnh. Chứng khoán SSI do đó khuyến nghị giảm tỉ trọng cổ phiếu HVN và VJC.