|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO Nguyễn Thị Phương Thảo: Hàng không chi phí thấp là mô hình lí tưởng của khả năng vượt qua khủng hoảng

15:14 | 21/05/2020
Chia sẻ
Trong giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch, chiến lược và các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền luôn được Vietjet Air ưu tiên hàng đầu.

"Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới đã trải qua thời điểm cực kì khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, bằng tiềm lực tài chính dồi dào và sự vững vàng của đội ngũ, Vietjet đã vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục, xây dựng chiến lược mới sẵn sàng cất cánh bay cao hơn", đây chính là trích đoạn thông điệp của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) tại báo cáo thường niên 2019 vừa được công bố.

Vietjet đang nhìn thấy những cơ hội rất rộng mở sau đại dịch, bà Thảo cho biết. Theo bà, có thể với doanh nghiệp khác, việc gượng dậy phải mất nhiều thời gian, nhưng với mô hình hàng không chi phí thấp như Vietjet, các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định hàng không chi phí thấp là hình mẫu lí tưởng của khả năng vượt qua khủng hoảng. 

Thực tế, Vietjet đã triển khai nhiều giải pháp bao gồm mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ, thẻ bay Power Pass... 

Vietjet bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài để chủ động trong hoạt động khai thác, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. 

Một yếu tố khác được CEO Vietjet nhắc đến như là yếu tố thuận lợi khi giá xăng dầu quốc tế xuống rất thấp. Công ty đã triển khai chương trình bảo hiểm rủi ro nhiên liệu nhằm ổn định chi phí xăng dầu, mảng chi phí trọng yếu chiếm trên 40% tổng chi phí vận hành khai thác. 

Trong giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch, chiến lược và các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền luôn được Vietjet ưu tiên hàng đầu. Công ty bước đầu đã đạt được thỏa thuận với đối tác giãn thời gian thanh toán; cũng như làm việc với các ngân hàng để nhận hỗ trợ theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, Vietjet triển khai và tập trung công tác quản trị dòng tiền theo ngày/tuần/tháng nhằm cân đối dòng tiền, hỗ trợ ban điều hành trong việc ra quyết định.

Các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính gồm: 

- Tối ưu hóa nguồn vốn lưu động và lưu chuyển tiền tệ thông qua việc triển khai các giải pháp tích hợp thanh toán và quản lí dòng tiền toàn diện, tiên tiến dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại của các ngân hàng hàng đầu. 

- Sử dụng linh hoạt các công cụ của thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, vay nợ...) nhằm đa dạng hóa các phương án thu xếp vốn ngắn, trung và dài hạn phục vụ nhu cầu vốn của Vietjet. 

- Triển khai các phương án tài trợ tàu bay hiệu quả theo các mô hình tiên tiến trên thế giới như SLB, JOLCO, ECA, tài trợ bảo hiểm từ các nhà sản xuất... thông qua các ngân hàng, định chế tài chính quốc tế có uy tín cao và lịch sử hoạt động lâu đời như JPM, Citibank, HSBC, Credit Union, ING, SMBC, MUFG... 

- Vietjet cũng hướng tới thu hút vốn từ thị trường quốc tế thông qua các hình thức huy động vốn chủ sở hữu, trái phiếu quốc tế và vốn vay. 

Ngoài các yếu tố tự thân, Vietjet cũng tin tưởng rằng sự hỗ trợ vĩ mô của Chính phủ bằng các giải pháp thiết thực gồm nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ, giảm thuế phí, miễn/giảm thuế nhập khẩu và thuế bảo dưỡng môi trường cho nhiên liệu bay, giảm các chi phí hạ cất cánh... sẽ giúp các doanh nghiệp và Vietjet duy trì được hoạt động, ổn định đời sống nhân viên. 

Dưới tác động tiêu cực của COVID-19, trong quí I, doanh thu thuần của Vietjet chỉ đạt 7.230 tỉ đồng, giảm 47% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, doanh thu vận tải hàng không đạt 7.222 tỉ đồng, giảm 29,6%. 

Trong kì, Vietjet chủ động điều chỉnh kế hoạch nhận tàu bay nên không phát sinh doanh thu, lợi nhuận chuyển giao, sở hữu và thuê tàu bay. Công ty lỗ sau thuế hợp nhất 989 tỉ đồng. 

Lần đầu tiên từ khi niêm yết, công ty có một quí hoạt động lỗ. Nhưng mức lỗ này thấp hơn dự kiến của ban lãnh đạo công ty và ở mức tích cực so với toàn ngành hàng không.

Với việc Việt Nam đang kiểm soát tốt COVID-19, từ cuối tháng 4/2020, các đường bay nội địa của Vietjet và các hãng hàng không khác đã tăng cường trở lại. Mặt khác, việc Chính phủ đang khuyến khích các biện pháp kích cầu du lịch trong nước tạo những cơ sở ban đầu cho việc hồi phục trở lại của ngành hàng không.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đông A

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.