|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Trump hứng bão chỉ trích vì lệnh cấm di chuyển từ châu Âu tới Mỹ

10:00 | 14/03/2020
Chia sẻ
Hôm 11/3, ông Trump tuyên bố sẽ đình chỉ hầu hết việc di chuyển từ châu Âu đến Mỹ. Quyết định đột ngột này đã bị EU chỉ trích, gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay, đẩy thị trường chứng khoán thêm sa sút.
Tổng thống Trump hứng bão chỉ trích vì lệnh cấm toàn bộ chuyến đi từ châu Âu tới Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trằng hôm 12/3. Ảnh: Bloomberg

South China Morning Post (SCMP) đưa tin hôm 12/3, tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm hầu hết việc di chuyển từ châu Âu đến Mỹ - một động thái chưa từng có tiền lệ - nhằm ngăn chặn các ca nhiễm COVID-19mới vào nước Mỹ.

Quyết định của ông đã làm dấy lên lo ngại, bối rối và cả chỉ trích từ châu Âu.

Quyết định đơn phương của ông Trump nhằm ngăn chặn những người đến từ 26 nước châu Âu đi đến Mỹ đã vấp phải chỉ trích của Liên minh châu Âu (EU).

Thông báo trên đã gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay, khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán càng hoảng loạn, và dấy lên lo ngại về khả năng đại dịch COVID-19 sẽ gây ra hậu quả lâu dài tới nền kinh tế và tình hình chính trị.

Ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng tối 11/3: "Chúng ta sẽ ngừng mọi hoạt động di chuyển từ châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày tới. Lệnh này sẽ có hiệu lực từ đêm thứ Sáu tuần này" (13/3, giờ Mỹ). 

Tổng thống Mỹ trích dẫn lời của các quan chức y tế công cộng cấp cao, và nói rằng biện pháp này được đề ra "nhằm ngăn chặn các ca nhiễm mới đổ bộ vào Mỹ".

Trong bài phát biểu, ông Trump nói rằng Anh là trường hợp ngoại lệ duy nhất, người dân nước này vẫn được phép đến Mỹ. 

Sau đó, chính quyền Mỹ đã phải nhanh chóng đính chính rằng lệnh cấm mới sẽ không quá quyết liệt như những gì ông Trump vừa nói. Công dân Mỹ và những người có thẻ xanh vẫn được phép quay về nước nếu tuân theo các qui định cách li.

Ông Trump cũng gióng lên tiếng chuông báo động tới thị trường chứng khoán, tuyên bố rằng lệnh cấm "sẽ áp dụng cho khối lượng hàng hóa và thương mại khổng lồ được vận chuyển qua Đại Tây Dương".

Sau đó, ông phải tự sửa lại lời nói của mình bằng cách viết trên Twitter rằng thương mại "sẽ không bị ảnh hưởng dưới bất kì hình thức nào".

Hiện nay, Mỹ có hơn 2.000 ca xác nhận nhiễm COVID-19 và 42 trường hợp tử vong. Chính quyền Trump đang phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích vì đã phản ứng chậm trước dịch bệnh.

Vậy nên, ông Trump đã đứng ra cam kết sẽ bảo vệ người dân Mỹ bằng mọi cách.

Ông Trump tuyên bố: "Đây là nỗ lực mạnh mẽ và toàn diện nhất để đối phó với virus từ nước ngoài trong lịch sử Mỹ", và chỉ trích châu Âu vì đã không thực hiện những hành động tương tự nhằm kiểm soát COVID-19.

Tổng thống Trump hứng bão chỉ trích vì lệnh cấm toàn bộ chuyến đi từ châu Âu tới Mỹ - Ảnh 2.

Mỹ tạm thời đóng cửa đối với mọi du khách từ 26 quốc gia châu Âu. Ảnh: Tân Hoa Xã

Đáp trả của phía EU về lệnh cấm của Mỹ cũng không hề dễ chịu, lên án rằng ông Trump đã hành động "đơn phương và không có sự bàn bạc trước với các nước".

Theo SCMP, EU tuyên bố: "Virus corona chủng mới là khủng hoảng toàn cầu, không giới hạn tại bất kì châu lục nào. Để đối phó với đại dịch này, các nước cần phải hợp tác với nhau thay vì tự ý đưa ra các hành động đơn phương".

Trong vòng ba tháng, virus này đã lan từ Vũ Hán, Trung Quốc sang hơn 100 quốc gia khác, buộc WHO phải chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

COVID-19 đã giết chết hơn 4.700 người và khiến hơn 127.000 người mắc bệnh, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc.

Những ngày gần đây, số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đang giảm dần. Hôm 12/3, nước này chỉ ghi nhận thêm 15 trường hợp nhiễm COVID-19.

Người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Mi Feng cho biết: "Nhìn chung, Trung Quốc đã vượt qua đỉnh điểm của dịch bệnh", đồng thời kêu gọi các quan chức địa phương không mất cảnh giác.

Hiện Trung Quốc tuyên bố nước này đã thành công trong việc kiểm soát COVID-19. Ngược lại, số ca nhiễm bệnh ở châu Âu lại đang tăng mạnh. Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo 70% dân số Đức có thể nhiễm virus corona chủng mới.

Mặc cho lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước Thủ tướng Italy đưa ra hôm 9/3, tổng số ca tử vong trong tuần của nước này tăng cao, lên đến hơn 800 người. Giờ đây, Italy là nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Pháp cũng đã có hơn 2.200 người nhiễm COVID-19.

Ông Robert Redfield - Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nói với các nhà làm luật: "Mối nguy thực sự bây giờ là ở châu Âu. Đây là nơi xuất hiện những ca nhiễm bệnh mới. Châu Âu là một Trung Quốc mới".

Trật tự thế giới mới?

Ông Huang Jing, một học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh cho biết lệnh cấm nhập cảnh ông Trump đưa ra hôm 12/3 là chưa từng có tiền lệ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Ông nói: "Các nước châu Âu đã phải thất vọng. Trong lúc cả thế giới đang trông chờ vào sự lãnh đạo từ Mỹ trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, nước này lại đưa ra quyết định mang tính đơn phương".

Trong bài phát biểu, ông Trump nói rằng sẽ sử dụng thẩm quyền trong tình huống khẩn cấp để có thêm 200 tỉ USD hỗ trợ nền kinh tế.

Đại dịch COVID-19 đã phá vỡ mọi dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trước đó, đẩy thị trường tài chính và giá dầu vào tình cảnh hỗn loạn chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Sau gần ba tháng, mức độ oanh tạc của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu hiện đang như thế nào? - Ảnh 2.

COVID-19 làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc suy thoái toàn cầu. Hơn thế nữa, đại dịch này đe dọa sẽ phá hủy các cấu trúc kinh tế và chính trị đã được gầy dựng trong suốt 70 năm qua.

Giáo sư Shi Yinhong tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận xét: "Kể cả trước khi COVID-19 xuất hiện, phong trào chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và chia tách chọn lọc tại hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới đã được đẩy mạnh".

Giáo sư Yinhong nhận định đại dịch có thể biến mất trong vòng 6 tháng, nhưng có khả năng nó sẽ củng cố những xu hướng trên và định hình lại trật tự thế giới.

Ông Zhu Feng – chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Nam Kinh đánh giá tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu lẽ ra là cơ hội để các cường quốc bắt tay hợp tác để cùng chống lại mối nguy chung. Tuy nhiên, nó đã trở thành chiến trường để các nước này đấu đá lẫn nhau.

Ông Zhu nói: "Đại dịch COVID-19 sẽ gây ra tác động sâu sắc tới các mối quan hệ quốc tế, kinh tế thế giới và trật tự xã hội. Nó sẽ trầm trọng hóa tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra. Nó cũng sẽ khiến cho mối quan hệ giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga ngày càng trở nên phức tạp".

Ông Zhu tiếp tục đưa ra nhận định rằng trật tự thế giới Hậu Chiến tranh lạnh và xu hướng toàn cầu hóa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được cải tổ lại để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Zhu nói: "Những bất ổn về đại dịch sẽ thổi bùng căng thẳng xã hội, gia tăng sự xáo trộn trong nội bộ nhiều nước như Iran, Saudi Arabia và Hàn Quốc, đẩy nhiều điểm nóng trên thế giới vào tình trạng căng thẳng.

Chuyên gia này nhận xét rằng xét theo thực tế rằng các cường quốc đang tranh cãi và chia rẽ với nhau, một trật tự thế giới mới sẽ không sớm được hình thành. Trong tương lai, có thể sẽ xảy ra hỗn loạn và xung đột kéo dài.

Học giả Huang Jing cho rằng với việc tự cô lập Mỹ khỏi châu Âu, Tổng thống Trump đang thực hiện những lời hứa ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Ông nói: "Một lần nữa, động thái này nhấn mạnh khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Lần này, người phải trả giá là châu Âu, và những mối quan hệ của Mỹ với các nước ở phía bên kia Đại Tây Dương".

Ông Gal Luft, giám đốc Viện phân tích an ninh toàn cầu ở Washington nói rằng nếu đại dịch COVID-19 gây ra một cuộc suy thoái, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Ông Luft nói: "Khủng hoảng này sẽ nới rộng rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai nước, dẫn đến trò chơi đổ lỗi và ghen tị lẫn nhau, thay vì hợp tác".

"Chắc chắn rằng một cuộc khủng hoảng phơi bày điểm yếu của Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc, giống như trường hợp khủng hoảng tài chính 2008. Lúc đó, Trung Quốc đã cứu nền kinh tế Mỹ bằng các gói cứu trợ và mua vào 800 tỉ USD trái phiếu Mỹ. Nhưng lần này, Trung Quốc sẽ không giúp gì cho Mỹ".

Giang