|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giá trị cốt lõi của tổ chức (Company Core Values) là gì?

10:42 | 14/02/2020
Chia sẻ
Giá trị cốt lõi của một tổ chức (tiếng Anh: Company Core Values) là những yếu tố căn bản tạo nên giá trị cho tổ chức, hình ảnh đại diện cho tổ chức.
Giá trị cốt lõi của tổ chức (Company Core Values) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: pathfinderadvisor)

Giá trị cốt lõi của tổ chức

Khái niệm

Giá trị cốt lõi của một tổ chức trong tiếng Anh được gọi là Company Core Values.

Giá trị cốt lõi của một tổ chức là những yếu tố căn bản tạo nên giá trị cho tổ chức, hình ảnh đại diện cho tổ chức. 

Tầm nhìn là hình ảnh ước mơ, sứ mệnh là cách thức đạt tớ ihình ảnh ước muốn, giá trị cốt lõi là cốt cách tạo nên hình ảnh ước muốn. 

Giá trị thể hiện niềm tin của tổ chức và các qui tắc chi phối hoạt động bên trong tổ chức/doanh nghiệp. 

Chúng trở thành những những khuôn khổ định hướng hành vi - thước đo hành vi - nhằm khích lệ và điều khiển hành vi của tổ chức. 

Giá trị không chỉ đại diện cho một thế hệ hay một nhóm cá nhân, mà phải đủ khả năng vượt qua thử thách của thời gian. 

Mỗi cá nhân ở từng giai đoạn phát triển, hoàn cảnh khác nhau thường có những ước muốn khác nhau. Trong một tổ chức có nhiều người với những hoàn cảnh khác nhau, ở các giai đoạn phát triển khác nhau cùng tham gia và phát triển cùng tổ chức/doanh nghiệp.

Lựa chọn giá trị cốt lõi

Vậy, điều gì là có thể trở thành giá trị để mọi người tôn trọng, gắng sức cống hiến trong suốt cuộc đời gắn bó với tổ chức/doanh nghiệp?

Các tổ chức/doanh nghiệp rất kĩ lưỡng trong việc lựa chọn giá trị cốt lõi. Để xác định giá trị cốt lõi, doanh nghiệp không thể xác định bằng cách đặt trực tiếp các câu hỏi trực tiếp cho thành viên trong tổ chức về giá trị cốt lõi, cũng như hỏi những người khác về giá trị của tổ chức. 

Giá trị là những điều mọi người đều ước muốn, do cách diễn đạt khác nhau, chúng được thể hiện dưới hình thức, ngôn từ, biểu hiện hành vi khác nhau. 

Tuy nhiên, những hình ảnh tạo ra trong nhận thức của những con người khác nhau, với nhãn quan khác nhau vẫn có thể được chia sẻ giống nhau trong cảm nhận. 

Như vậy giá trị được tuyên bố (espoused values) sẽ không có nhiều ý nghĩa bằng giá trị thể hiện qua hành động (enacted values). 

Giá trị được lựa chọn phải phản ánh được hình ảnh mong muốn và có tác dụng định hướng hành vi và quyết định của các thành viên tổ chức trong công việc.

(Tài liệu tham khảo: Văn hoá Doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)

Diệu Nhi