|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giả thuyết bất ổn tài chính (Financial Instability Hypothesis) của Hyman Minsky là gì?

14:55 | 24/12/2019
Chia sẻ
Giả thuyết bất ổn tài chính của Hyman Minsky (tiếng Anh: Hyman Minsky's Financial Instability Hypothesis) cho rằng trong thời kì kinh tế thịnh vượng, người vay và người cho vay trở nên liều lĩnh, tạo ra bong bóng tài chính mà cuối cùng sẽ đổ vỡ.
Giả thuyết bất ổn tài chính (Financial Instability Hypothesis) của Hyman Minsky là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Giả thuyết bất ổn tài chính của Hyman Minsky

Khái niệm

Giả thuyết bất ổn tài chính của Hyman Minsky trong tiếng Anh là Hyman Minsky's Financial Instability Hypothesis.

Giả thuyết này được phát triển bởi nhà kinh tế học Hyman Minsky. Ý tưởng chung của giả thuyết bất ổn tài chính là trong thời kì thịnh vượng của một quốc gia, người dân và các ngân hàng mua hàng hóa và cho vay quá mức.

Hyman Minksy lập luận rằng khủng hoảng tài chính là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản vì thời kì kinh tế thịnh vượng khuyến khích người vay và người cho vay trở nên liều lĩnh. Sự lạc quan thái quá này tạo ra bong bóng tài chính mà cuối cùng sẽ đổ vỡ.

Do đó, chủ nghĩa tư bản có xu hướng chuyển từ thời kì ổn định tài chính sang bất ổn. Đây là một loại thất bại thị trường và được chính phủ điều tiết.

(Theo economicshelp.org)

Ba giai đoạn của quá trình cho vay khi nền kinh tế thịnh vượng

Tài trợ theo kiểu phòng hộ: chỉ cho vay đối với các khoản đầu tư vững chắc

Giai đoạn này là hợp lí và an toàn cho nền kinh tế. Trong giai đoạn phòng hộ, các ngân hàng chỉ cho vay với những người có tiền để thanh toán, hoặc có đủ tài sản giá trị để họ có thể thanh lí và bù đắp khoản vay. 

Ví dụ: Một phụ nữ muốn mua một ngôi nhà trong một khu phố có giá cao. Cô ấy có một việc làm toàn thời gian trả lương cao, có rất ít nợ và có vẻ là một khoản đầu tư vững chắc, vì vậy ngân hàng cho cô ấy vay tiền. 

Giai đoạn đầu cơ: người cho vay bắt đầu mạo hiểm hơn một chút.

Những người có thể trả lãi sẽ được ngân hàng cho vay, dù họ không thể trả được nợ nếu tài sản thế chấp giảm giá trị hoặc lãi suất tăng. Các ngân hàng đang đánh cược rằng họ sẽ thu lại được hết khoản vay trước khi điều này xảy ra.

Ví dụ, một người phụ nữ muốn mua một ngôi nhà trong một khu phố có giá đang giảm dần, cô ấy mới chỉ vừa được nhận vào làm trong một công việc trả lương cao, lịch sử tín dụng của cô ấy không hề có những khoản thanh toán lớn. Cô ấy có thể trả được nợ, nhưng không có gì đảm bảo cho khả năng này. Tuy vậy ngân hàng vẫn cho cô ấy vay.

Giai đoạn Ponzingười cho vay trở nên cực kì liều lĩnh và mạo hiểm

Đây là giai đoạn cuối cùng ngay trước khi quả bóng nổ tung. Vào thời điểm này các ngân hàng bắt đầu cho vay tiền đối với cả những người không có đủ khả năng trả nợ, dù là vay mua nhà, xe hơi, hay thậm chí là các khoản vay cá nhân.

Ngân hàng cho vay vì nghĩ rằng giá tài sản sẽ tiếp tục tăng và những người vay tiền của họ sẽ kịp bán tài sản cho những người khác với giá cao hơn.

Các ngân hàng sẽ chấp nhận các khoản vay đặc biệt nếu thời điểm này tốt đến mức họ cho rằng mình sẽ vẫn ổn kể cả khi có vài vấn đề nhỏ xảy ra.

Điều xảy ra tiếp theo là người đi vay không có khả năng thanh toán, tài sản bị tịch thu, tài khoản bị phong tỏa và ngân hàng có quá nhiều rủi ro, vì vậy họ phải vật lộn để không phá sản.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 là một ví dụ điển hình cho công trình nghiên cứu của Minsky. Diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính giống với từng bước xảy ra trong nghiên cứu của Minsky, khiến cho nhiều báo cáo gọi đó là "Khoảnh khắc Minsky".

(Theo study.com)

Giang