|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Xác định lộ trình để hoàn thành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm

16:25 | 15/01/2025
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần xác định lộ trình, công việc của từng năm để tới năm 2030, Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân.

Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân diễn ra trưa 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân nằm trong chủ trương về phát triển ngành khoa học công nghệ hạt nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu điện sạch.

Thủ tướng nhấn mạnh, với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt hai con số, tăng trưởng điện phải từ 15 - 18%. Đồng thời, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, cần phải có các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ đột phá, trong đó có công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, gồm điện hạt nhân, y học hạt nhân,…

"Mục tiêu là xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Từ đó, cần xác định lộ trình, công việc của từng năm để tới năm 2030, chúng ta có nhà máy điện hạt nhân", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm và các công việc của mỗi năm. Các đơn vị phải hình dung, đề xuất công việc, nhiệm vụ cụ thể của mình gửi Bộ Công Thương để tổng hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trìphiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân. (Ảnh: VGP).

Thủ tướng cũng đưa ra chỉ đạo cụ thể cho các đơn vị. Trong đó, Bộ Công Thương phải khẩn trương điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết, hoàn thành trước ngày 28/2.

Về nhân lực, hiện Việt Nam đã có khoảng 400 nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân, EVN và các cơ quan cần tập trung ngay đội ngũ nhân lực này, đồng thời xác định rõ nhu cầu đào tạo và báo cáo, đề xuất ngay.

Cùng với đó, phải hình thành tổ chức chuyên trách, chuyên nghiệp để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân này và chuẩn bị cho các dự án khác trong tương lai. Rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về xây dựng cơ chế đặc thù, hoàn thiện thể chế về thuế, tín dụng, đất đai, thu hút nhân lực.

Đối với hạ tầng, Thủ tướng giao tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, kêu gọi hợp tác công tư, thu hút đầu tư để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy và phục vụ đội ngũ nhân lực triển khai dự án, địa phương cần chuẩn bị hạ tầng giao thông, điện, nước,... 

Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Phó Trưởng Ban Thường trực và Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Phó Trưởng Ban, được Thủ tướng ký Quyết định thành lập vào ngày 10/1.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân; tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đề xuất giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, gồm hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Tuy nhiên, đến năm 2016, dự án đã bị tạm dừng do nhiều yếu tố khách quan.

Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Tại phiên bế mạc ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó bao gồm nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Anh My

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.