Quĩ bình ổn tài chính châu Âu (European Financial Stability Facility) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: Luxembourg Times)
Quĩ bình ổn tài chính châu Âu (European Financial Stability Facility)
Khái niệm
Quĩ bình ổn tài chính châu Âu trong tiếng Anh là European Financial Stability Facility; tên viết tắt là EFSF.
Quĩ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) được thành lập năm 2010 như là một biện pháp giải quyết khủng hoảng tạm thời trong kì dậy sóng của khủng hoảng nợ tài chính và khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
EFSF đã cung cấp sự hỗ trợ cho Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Hiện tại, EFSF không còn cung cấp sự hỗ trợ tài chính mới bởi nhiệm vụ của quĩ lúc này là chịu trách nhiệm về Cơ chế bình ổn Châu Âu (ESM), nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại để thực hiện nghĩa vụ đối với các chương trình đã thỏa thuận trước đó.
Nội dung về Quĩ bình ổn tài chính châu Âu
Quĩ bình ổn tài chính châu Âu được Liên minh châu Âu (EU) thành lập để trợ giúp quĩ cứu tế cho các quốc gia không thể tự mình cấp vốn trong cuộc khủng hoảng nợ công. EFSF cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu trong bối cảnh này, miễn là họ cam kết thực hiện một số cải cách nhất định (nhằm ngăn chặn sự tái diễn của các cuộc khủng hoảng tương tự).
Sự hỗ trợ này được tài trợ thông qua việc phát hành trái phiếu của EFSF và các công cụ thị trường vốn khác. EFSF được ủy quyền để huy động tối đa 440 tỉ euro trên thị trường vốn thông qua việc phát hành các chứng khoán này.
Các chứng khoán lần lượt được hỗ trợ bởi sự bảo đảm từ các quốc gia thành viên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu với tỉ lệ vốn cổ phần của họ trong Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tổng số tiền bảo đảm là 780 tỉ euro. Tóm lại, các bảo lãnh đã thu hút các nhà đầu tư không sẵn sàng cho vay trực tiếp vào các quốc gia khủng hoảng và EFSF đã cung cấp các khoản vay cho các quốc gia đó (có điều kiện dựa trên cam kết cải cách).
EFSF đã không cung cấp bất kì khoản tài trợ mới nào kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2013. Tuy nhiên, EFSF vẫn tồn tại để tiếp tục tài trợ cho các chương trình đã thỏa thuận; các hoạt động đang diễn ra của quĩ bao gồm nhận tiền trả nợ từ các quốc gia mà quĩ đã hỗ trợ;
Thực hiện thanh toán gốc và lãi từ trái phiếu phát hành của mình cho các nhà đầu tư; và xem xét các trái phiếu hiện có vì thời gian đáo hạn của các khoản vay đối với những người thụ hưởng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu dài hơn so với trái phiếu phát hành.
Mặc dù EFSF và ESM là các tổ chức khác nhau với các cấu trúc quản trị cũng khác nhau nhưng các tổ chức này có chung nhân viên và văn phòng (tại Luxembourg). Cả hai đều có chung một sứ mệnh là bảo vệ sự ổn định tài chính ở châu Âu thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hai cơ chế cùng nhau đã giải ngân 255 tỉ euro.
Bên cạnh Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland vốn được EFSF hỗ trợ thì Tây Ban Nha và đảo Síp cũng nhận được tài trợ từ ESM. Bốn trong số các quốc gia này (trừ Hy Lạp) đã thực hiện cải cách và cải thiện thành công đủ để hoàn thành các chương trình EFSF/ESM của họ mà không cần phải bố trí theo dõi. Hy Lạp đã tham gia một chương trình mới vào năm 2015 và hiện là chương trình EFSF/ESM duy nhất còn hoạt động.
(Tài liệu tham khảo: investopedia.com)