Giá hòa vốn (Break-Even Price) là gì? Chiến lược giá hòa vốn có lợi ích gì?
Giá hòa vốn
Khái niệm
Giá hòa vốn trong tiếng Anh là Break-Even Price.
Giá hòa vốn là số tiền hoặc sự thay đổi trong giá trị, mà tài sản phải được bán để bù đắp chi phí mua và sở hữu nó. Nó cũng có thể đề cập đến số tiền mà một sản phẩm hoặc dịch vụ phải được bán để trang trải chi phí sản xuất hoặc chi phí cung cấp nó. Trong giao dịch quyền chọn, gía hòa vốn là giá cổ phiếu mà tại đó các nhà đầu tư có thể chọn thực hiện hoặc thanh lí hợp đồng để không bị thua lỗ.
Sử dụng giá hòa vốn
Giá hòa vốn có thể được sử dụng trong hầu hết mọi giao dịch. Ví dụ, giá hòa vốn của một ngôi nhà sẽ là giá bán mà chủ sở hữu có thể trang trải tất cả các khoản bao gồm: số tiền mua nhà, tiền lãi trả cho thế chấp, bảo hiểm rủi ro, thuế đất, chi phí bảo trì, tôn tạo, chi phí khóa sổ và tiền hoa hồng cho người môi giới. Với mức giá này, chủ nhà sẽ không có bất kì khoản lợi nhuận nào, nhưng cũng không mất bất kì khoản tiền nào.
Giá hòa vốn cũng được sử dụng trong kinh tế học quản lí để xác định chi phí nhân rộng khả năng sản xuất của sản phẩm. Thông thường, sự gia tăng về khối lượng sản xuất sản phẩm cũng đồng nghĩa là giảm giá hòa vốn, vì chi phí được dàn trải trên một số lượng sản phẩm lớn hơn.
Về mặt toán học, giá hòa vốn là số tiền thu được bằng với số tiền đã bỏ ra. Khi doanh số khớp chi phí, giao dịch liên quan được cho là hòa vốn, không bị lỗ và cũng không thu được lợi nhuận trong quá trình này. Để hình thành mức giá hòa vốn, một người chỉ cần sử dụng tổng chi phí của một hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động tài chính làm giá mục tiêu để bán sản phẩm, dịch vụ hoặc tài sản, hoặc giao dịch một công cụ tài chính với mục tiêu hòa vốn.
Ví dụ, giá hòa vốn để bán sản phẩm sẽ là tổng chi phí cố định và chi phí biến đổi phát sinh để tạo ra sản phẩm.
Đối với một hợp đồng quyền chọn, chẳng hạn như quyền chọn bán và quyền chọn mua, giá hòa vốn là mức của chứng khoán cơ sở mà có thể bù đắp hoàn toàn phí của quyền chọn. Còn được gọi là điểm hòa vốn (BEP), nó có thể được biểu diễn bằng các công thức sau đây cho một quyền chọn bán hoặc quyền chọn mua:
BEPQuyền chọn bán = Giá thực hiện - Phí quyền chọn;
BEPQuyền chọn mua = Giá thực hiện + Phí quyền chọn.
Chiến lược giá hòa vốn
Sử dụng giá hòa vốn như một chiến lược kinh doanh thì phổ biến hầu hết trong các dự án kinh doanh mạo hiểm, đặc biệt nếu một sản phẩm hoặc dịch vụ không có sự khác biệt cao so với các đối thủ cạnh tranh. Bằng cách đưa ra mức giá hòa vốn tương đối thấp mà không có bất kì khoản markup nào, một doanh nghiệp có thể có cơ hội tốt hơn để giành thêm thị phần, mặc dù điều này cũng không tạo ra lợi nhuận tại thời điểm đó.
Trở thành người dẫn dắt chi phí và bán ở mức giá hòa vốn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn tài chính để duy trì thời gian không có lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi thiết lập được ưu thế thị trường, một doanh nghiệp có thể bắt đầu tăng giá khi các đối thủ yếu không có cách nào làm suy yếu được họ.
Công thức sau đây được sử dụng để tính điểm hòa vốn của một công ty:
Chi phí cố định / (Giá - Chi phí biến đổi) = Điểm hòa vốn
Điểm hòa vốn bằng tổng chi phí cố định chia cho chênh lệch giữa đơn giá và chi phí biến đổi.
Hiệu ứng giá hòa vốn
Có cả tác động tích cực và tiêu cực từ việc giao dịch ở mức giá hòa vốn. Ngoài việc giành được thị phần và đẩy lùi sự cạnh tranh hiện có, giá hòa vốn cũng giúp thiết lập một rào cản gia nhập cho các đối thủ cạnh tranh mới tham gia vào thị trường. Cuối cùng, điều này sẽ dẫn đến một vị thế có thể kiểm soát thị trường, do cạnh tranh giảm.
Tuy nhiên, giá thấp tương đương của một sản phẩm hoặc dịch vụ có thể tạo ra nhận thức rằng, sản phẩm hoặc dịch vụ có thể không chất lượng, nó có thể trở thành một trở ngại cho việc tăng giá sau này. Trong trường hợp có những người khác tham gia vào cuộc chiến giá cả, giá hòa vốn sẽ không đủ để giúp giành quyền kiểm soát thị trường. Với cuộc đua xuống đáy của giá cả, công ty có thể phải chịu tổn thất khi giá hòa vốn phải nhường chỗ cho mức giá thậm chí còn thấp hơn.
Ví dụ về giá hòa vốn
Giả sử công ty ABC sản xuất vật dụng tiện ích (widget). Tổng chi phí để tạo một widget trên mỗi đơn vị có thể chia ra như sau:
Lao động trực tiếp: 5$
Nguyên vật liệu: 2$
Sản xuất: 3$
Như vậy, giá hòa vốn để thu hồi chi phí cho ABC là 10$ cho mỗi widget.
Bây giờ giả sử rằng ABC trở trên tham vọng hơn và muốn sản xuất 10.000 widgets như vậy. Để làm được điều đó, họ sẽ phải mở rộng qui mô hoạt động và đầu tư vốn đáng kể vào nhà máy và lao động. Công ty đầu tư 200.000$ vào chi phí cố định, bao gồm xây dựng nhà máy và mua máy móc để sản xuất.
Giá hòa vốn của công ty cho mỗi đơn vị widget có thể được tính như sau:
Giá hòa vốn = ( Chi phí cố định / Số lượng đơn vị ) + Giá mỗi đơn vị
-> Giá hòa vốn = (200.000 / 10.000) + 10 = 30
Như vậy, 30$ là mức giá hòa vốn khi công ty sản xuất 10.000 widgets. Tính toán tương tự, giá hòa vốn để sản xuất 20.000 widgets là 20$.
Giá hòa vốn cho một hợp đồng quyền chọn
Đối với quyền chọn mua có giá thực hiện là 100$ và phí quyền chọn là 2,50$, mức giá hòa vốn mà cổ phiếu phải đưa ra là 102,50$; nếu bất kì giá nào nằm trên mức đó sẽ được gọi là lợi nhuận thuần túy.
(Theo Investopedia)