FLC 'khoe' lợi nhuận lớn, không tiết lộ khoản đặt cọc cho Boeing
Bí ẩn công ty giao dịch gần nghìn tỷ đồng với FLC Faros | |
FLC ‘kêu’ với Thủ tướng chuyện thiếu đất để làm nông nghiệp |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II mới được CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) công bố, doanh thu thuần quý vừa qua đạt 2.988 tỷ đồng, tăng trưởng 130% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận gộp tăng 109% lên 347 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 11,6%. Chi phí tài chính tăng mạnh 144% lên gần 170 tỷ đồng, tương tự chi phí bán hàng tăng 172% lên 165 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của FLC đạt 25,4 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5.194 tỷ đồng và 125 tỷ đồng, thực hiện lần lượt gần 42% và 22,3% kế hoạch cả năm.
Trích báo cáo tài chính quý hợp nhất quý II Tập đoàn FLC |
FLC đã đặt cọc cho Boeing?
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của FLC thể hiện chi tiết từng đối tượng trong khoản mục Trả trước cho người bán trong đó có khoản trả trước trị giá hơn 34 tỷ đồng cho Airbus S.A.S. Đây được cho là khoản đặt cọc mà FLC trả cho hãng sản xuất máy bay Airbus sau khi ký kết thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO trị giá 3,1 tỷ USD vào ngày 26/3.
FLC trả trước cho Airbus hơn 34 tỷ đồng. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I |
Tuy nhiên thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý II chỉ thể hiện một số ít đối tượng trong khoản mục trả trước cho người bán, còn lại được dồn vào mục “Các đối tượng khác” trị giá gần 736 tỷ đồng.
Ngày 25/6, Tập đoàn FLC ký thỏa thuận mua 20 máy bay thân rộng B787-9 Dreamliners với hãng Boeing của Mỹ. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC ông Trịnh Văn Quyết từng nhiều lần tuyên bố rằng FLC đã đặt cọc cho Boeing và rằng phải thanh toán đặt cọc thì các hãng này mới bắt đầu sản xuất.
Tuy vậy với cách trình bày của báo cáo tài chính quý II như hiện nay, người đọc không thể biết cụ thể FLC đã trả trước cho Boeing hay chưa và trả trước bao nhiêu.
Trả trước ngắn hạn cuối quý II của FLC. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II |
Bamboo Airways là hãng hàng không công ty con do Tập đoàn FLC sở hữu 100% vốn. Theo dự kiến, Bamboo Airways sẽ có chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10 tới dù hiện nay chưa được Bộ Giao thông vận tải cấp phép bay. Để chuẩn bị cho hoạt động của Bamboo Airways, Tập đoàn FLC đã đặt mua 24 máy bay Airbus A321NEO và 20 máy bay Boeing B787-9 Dreamliners trong nửa đầunăm nay. Tổng giá trị 2 thương vụ là trên 8,6 tỷ USD. |
Ở phần thuyết minh khoản mục Phải thu khác, FLC ghi nhận một khoản thu tiền đặt cọc mục đích đầu tư các dự án giá trị 700 tỷ đồng. Đây có thể là khoản vốn điều lệ 700 tỷ đồng của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) – công ty con của FLC, được gửi phong tỏa ở Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) mà ông Trịnh Văn Quyết nhắc tới trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 hôm 12/6.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I của FLC chưa có khoản 700 tỷ đồng này, có nghĩa FLC mới gửi khoản tiền này vào NCB trong quý II. Số tiền này sẽ được giải tỏa khi Bambô Airways chính thức được cấp phép hoặc bị từ chối cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Không bình luận về lương phi công, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định chắc chắn Bamboo Airways cất cánh trong năm 2018 |
FLC đặt cọc 700 tỷ đồng cho mục đích đầu tư các dự án. |
Trước đó vào ngày 9/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 836/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Quy mô Dự án đến năm 2023 là 10 tàu bay loại A320/A321 hoặc B737. Tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó 100% là vốn chủ sở hữu.