|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Triển vọng u ám đang bủa vây doanh nghiệp thép?

08:19 | 12/11/2018
Chia sẻ
Không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thép nhập khẩu, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, doanh nghiệp thép còn chịu áp lực lớn từ sản lượng đến giá bán để có thể cạnh tranh được trong nước.

Ngành thép Việt và sự cạnh tranh gay gắt từ thép nhập khẩu

Theo Bộ Công Thương trong tháng 9, sản lượng thép thô ước đạt hơn 1,6 triệu tấn, tăng 35,4% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, thép cán ước đạt 512.800 tấn, tăng 9,8% so với cùng kì. Thép thanh, thép góc ước đạt 544.800 tấn, tăng 10,2% so với cùng kì.

9 tháng đầu, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh và thép góc tăng lần lượt là 36,6%, 6,3% và 8,1% so với cùng kì năm ngoái.

Bộ Công Thương cho biết, ngành thép năm 2018 được dự báo tiếp tục duy trì đà tăng với mức tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.

Tuy nhiên, ngành này tiếp tục gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt do thép nhập khẩu thâm nhập mạnh thị trường Việt Nam. Đặc biệt, việc phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), từ đầu tháng 8 đến nay, ngành thép Việt Nam đã phải đối mặt với gần 10 vụ kiện phòng vệ thương mại. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép nhập khẩu chống ăn mòn từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép nhập khẩu chống ăn mòn từ Đài Loan.

Đồng thời, DOC cũng khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép cán nguội nhập khẩu từ Hàn Quốc...

trien vong u am dang bua vay doanh nghiep thep

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên rầm rộ, ngành thép có thể bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng xuất khẩu của thép Việt Nam. Hiện Trung Quốc đang tái cấu trúc ngành công nghiệp thép, tức là cắt giảm sản lượng sản xuất thép, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu và không bảo đảm môi trường. Vì vậy, doanh nghiệp thép Trung Quốc đang có chiều hướng đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông - Nam Á như Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Mặt khác, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, việc gia tăng mở rộng công suất của các doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim trong giai đoạn 2016-2017 và sự tham gia thị trường tôn mạ của Tập đoàn Hòa Phát, khoảng 400.000 tấn vào đầu năm 2018 đã đẩy cạnh tranh trong nước của thị trường tôn mạ lên mức gay gắt.

VCSC cho rằng, mặc dù nhu cầu cho sản phẩm tôn mạ trong nước và quốc tế vẫn duy trì ổn định, nhưng môi trường xuất khẩu đang gặp nhiều thách thức. Thị trường trong nước cạnh tranh gay gắt sẽ gây thêm nhiều áp lực lên cả sản lượng bán và giá bán của tất cả các nhà sản xuất.

Doanh nghiệp thép: Phân hóa ngày càng rõ nét

Với tình hình ngành thép không có nhiều điểm tích cực, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp ngành thép cũng không đạt như kì vọng. Trong 5 doanh nghiệp thì có tới 4 doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế giảm sâu so với cùng kì, thậm chí thua lỗ.

trien vong u am dang bua vay doanh nghiep thep
Minh Anh tổng hợp (Đơn vị: tỉ đồng).

Đầu tiên có thể kể đến là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) với khoản lỗ gần 102 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước lãi 258 tỉ đồng. Ngoài ra, so với các doanh nghiệp khác, tại thời điểm 30/9, nợ vay của Hoa Sen dẫn đầu ngành với tỉ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức 76%.

trien vong u am dang bua vay doanh nghiep thep
Minh Anh tổng hợp (Đơn vị: tỉ đồng).

Tuy nhiên, có một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của Hoa Sen. Đó là việc tăng trưởng sản lượng tôn mạ bán ra của công ty chủ yếu ở thị trường nội địa với sản lượng tôn mạ bán ra tăng 18% so với cùng kì.

Theo nhận định của VCSC, trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn và thị trường xuất khẩu có nhiều rủi ro từ chiến tranh thương mại, việc Hoa Sen dịch chuyển nhiều sản lượng bán ra về thị trường nội địa có thể làm tăng khả năng bán hàng của công ty trong tương lai.

Cũng không mấy sáng sủa, kết quả kinh doanh quý III của CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) gây thất vọng khi lãi ròng chỉ 733 triệu đồng trong khi cùng kì năm ngoái đạt 206 tỉ đồng.

Nguyên nhân đến từ việc doanh thu giảm trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng khiến cho biên lợi nhuận gộp quý III giảm 5,6% còn 4,8%. Doanh thu giảm là do cạnh tranh ở thị trường nội địa quá cao, điều này thể hiện rõ qua số liệu quý III khi Nam Kim lần đầu tiên từ năm 2013 mất đi vị trí thứ II về thị phần ở mảng tôn mạ vào tay Tôn Đông Á.

Theo CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, trong quý IV, đi cùng xu hướng chung của doanh nghiệp tôn mạ, Nam Kim có thể tiếp tục có kết quả kinh doanh thất vọng. Triển vọng năm 2019 dự báo tốt hơn khi Fomorsa đi vào hoạt động ổn định.

Với nguồn lực tài chính hiện tại, việc triển khai giai đoạn 1 dự án Phú Mỹ trong năm 2019 (theo ước tính thì Nam Kim cần khoảng 2.300 tỉ đồng) nhiều khả năng sẽ trì hoãn, giảm bớt gánh nặng lãi vay cho Nam Kim các năm sắp tới.

Dù không lỗ như Hoa Sen nhưng kết quả kinh doanh quý III của CTCP Thép Pomina (Mã: POM) cũng kém khả quan. Doanh thu thuần đạt 3.470 tỉ đồng, tăng 7,5% so với cùng kì trong khi chi phí giá vốn tăng đến 16% dẫn tới lợi nhuận gộp bằng 1/3 cùng kì, đạt 116 tỉ đồng.

Giá vốn tăng cao cũng là nguyên nhân chính dẫn tới sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh, thép Pomina còn lãi sau thuế hơn 27 tỉ đồng, giảm 89% so với cùng kì.

Không ngoại lệ so với ba doanh nghiệp trên, mặc dù doanh thu thuần của Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel – mã: TVN) trong quý III tăng 9% lên 6.174 tỉ đồng nhưng do các chi phí tăng đột biến nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn 146 tỉ đồng, giảm 54% so cùng kì.

Bất chấp kết quả kinh doanh không mấy tích cực của các doanh nghiệp trong ngành, hoạt động kinh doanh của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) khá tốt với doanh thu và lãi sau thuế đạt lần lượt 14.188 tỉ đồng và 2.408 tỉ đồng, đều tăng 13% so với cùng kì năm trước.

Theo Chứng khoán KIS, Hòa Phát đang làm tốt trong việc dự báo giá nguyên vật liệu đầu vào khi vòng quay tồn kho thay đổi ứng với các giai đoạn tăng giảm giá nguyên vật liệu đầu vào.

Quý III, hàng tồn kho Hòa Phát tăng lên 4.000 tỉ đồng so với đầu năm 2018, duy trì ổn định trong nửa đầu năm, rải đều ở thành phẩm và nguyên vật liệu.

Với số liệu mới công bố tiêu thụ thép xây dựng tháng 10 đạt kỷ lục 250.000 tấn, Chứng khoán KIS cho rằng doanh nghiệp thép này có thể tiếp tục duy trì tốt hoạt động kinh doanh trong quý IV.

Xem thêm

Dòng tiền vẫn dồi dào trên TTCK, song cần chắt lọc lựa chọn cổ phiếu
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.