|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nỗi sợ Mỹ áp thuế tôn, thép khiến vốn hóa Tập đoàn Hòa Phát ‘bốc hơi’ gần 8.000 tỷ đồng

17:33 | 10/02/2025
Chia sẻ
Nhóm cổ phiếu thép đã có phiên giao dịch 10/2 chìm trong sắc đỏ với áp lực bán ra mạnh mẽ. Trong đó, HPG lao dốc gần 5%, vốn hóa giảm 7.995 tỷ đồng.

Thông tin đáng chú ý nhất với lĩnh vực sản xuất kinh doanh tôn, thép là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ công bố thuế quan với thép và nhôm nhập khẩu từ mọi quốc gia ngay ngày đầu tuần, đồng thời cảnh báo sắp áp thuế quan đối ứng trong những ngày tiếp theo.

Cụ thể hơn, ông Donald Trump cho biết vào ngày 10/2 (theo giờ địa phương) sẽ công bố thuế quan 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ mọi quốc gia. Ông không nói rõ khi nào chính sách mới sẽ có hiệu lực.

Dường như phản ứng trước động thái này này, nhà đầu tư đã chủ động bán ra cổ phiếu từ đầu phiên khiến nhóm cổ phiếu thép đồng loạt giảm. Kết phiên, biên độ giảm ghi nhận phổ biến ở 2-5%, trong đó một số đại diện kể đến như HPG giảm 4,6%, HSG giảm 4,5%, NKG giảm 3,6%, SMC gần sàn.

Diễn biến cổ phiếu HPG qua một năm (đến 10/2). (Biểu đồ: TradingView).

Với gần 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã “bốc hơi” 7.995 tỷ đồng, về 162.465 tỷ đồng, tính đến cuối phiên 10/2. Thị giá HPG hiện (25.400 đồng/cp) thấp nhất trong khoảng 5 tháng.

Về thanh khoản, HPG ghi nhận khớp lệnh đến hơn 61 triệu đơn vị, cao nhất trong gần một năm (kể từ sau 27/2/2024 - gần 87 triệu đơn vị). Trên HOSE, vốn hóa Hòa Phát đang đứng thứ 6, sau Techcombank (Mã: TCB)  (thứ 5 với 181.409 tỷ đồng), và cao hơn PV Gas (Mã: GAS) (thứ 7 với 157.662 tỷ đồng).

Diễn biến tại một số đại diện ngành thép cũng tương tự. Vốn hóa Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Thép Nam Kim (Mã: NKG) hay Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) giảm lần lượt 497 tỷ đồng, 158 tỷ đồng, 31 tỷ đồng, rơi về mức 10.494 tỷ đồng, 4.265 tỷ đồng và 434 tỷ đồng.

Thanh khoản các mã này đều lên cao đột biến so với những phiên trước. HSG và NKG ghi nhận khớp lệnh hơn 13 triệu cp và 10 triệu cp. SMC cũng khớp lệnh gần 3,8 triệu cp.

Kết quả giao dịch khớp lệnh phiên 10/2 của một số cổ phiếu tôn thép. (Nguồn: SSI).

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư của FIDT, đã đưa nhận định về tác động từ lệnh đánh thuế (dự kiến) của Mỹ đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Về thuế bổ sung đối với thép và nhôm, theo ông Huy, mức thuế hiện tại của Mỹ đối với mặt hàng này của Việt Nam đã cao, khoảng 10 - 25%. Năm 2024, giá trị xuất khẩu các sản phẩm này sang Mỹ khoảng 3,7 tỷ USD, chỉ chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Thị trường Mỹ chiếm khoảng 13,2% khối lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2024, do đó sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các công ty niêm yết. Ngoài ra, không có công ty niêm yết nào xuất khẩu nhôm sang Mỹ. Do đó, tác động của các mức thuế mới có thể là không nhiều.

Về thuế đối ứng, năm 2021, mức thuế tối huệ quốc (MFN) trung bình của Việt Nam khoảng 12%, và hiện tại có thể khoảng 10 - 11%.

Mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam khoảng 5%. Do đó, ước tính sơ bộ cho thấy mức thuế bổ sung đạt khoảng 5% đối với hàng hóa Việt Nam, và đây là một cách tiếp cận dễ chịu hơn so với mức dự kiến ban đầu là 10%.

Đánh giá đối với ngành thép nói chung, ông Huy cho biết kết quả kinh doanh có sự chậm lại trong quý IV/2024. Câu chuyện dài hạn của ngành vẫn hiện hữu với sự phục hồi của thị trường bất động sản và đầu tư công. Tuy nhiên các yếu tố ngắn hạn dường như không sáng cửa.

 Kết quả kinh doanh năm 2024 của một số doanh nghiệp tôn thép. (Nguồn: FIDT).

Xuân Nghĩa

CEO REE: 'Khó khăn nhất là quy trình cấp phép, có dự án điện rác ba năm vẫn chưa được thông qua'
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc REE, ngoài điều kiện về PPA và DPPA, việc khó khăn nhất hiện nay là quy trình cấp phép. Ở địa bàn Trà Vinh và TP HCM, REE có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện, nhưng ba năm vẫn chưa thông qua được.